Những ngày đầu xây dựng Khoa Xe tăng - Thiết giáp

Khao khát mang những kiến thức được học ở Liên Xô về phục vụ Quân đội, Nguyễn Văn Phước về nước, nhận quyết định công tác tại Khoa Xe tăng-Thiết giáp (TTG) của Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng).

Khi đó, Học viện chưa có học viên và nhiệm vụ chính của Khoa Xe TTG là xây dựng chương trình môn học, nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy. Các giảng viên của khoa hầu hết được đào tạo tại các trường quân sự nước ngoài. Tuy nhiên, đó là đào tạo sĩ quan sơ cấp có nâng cao, chủ yếu là chiến thuật cấp tiểu đoàn trở xuống. Trong khi đó, đối tượng đào tạo ở Học viện là cán bộ cao cấp, là sĩ quan chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược nên đây là bài toán nan giải.

Trong điều kiện đó, những gì Phó chủ nhiệm khoa Nguyễn Văn Phước tiếp thu được trong khóa đào tạo sĩ quan chỉ huy tại Liên Xô trở thành vốn quý. Vì vậy, Chủ nhiệm khoa Nguyễn Chí Tam phân công ông chủ biên hầu hết tài liệu về nghệ thuật sử dụng TTG trong các loại hình chiến dịch khác nhau. Ông cùng các đồng nghiệp từng bước hoàn chỉnh hệ thống tài liệu huấn luyện.

Ngày 3-1-1977, Học viện Quân sự cao cấp tổ chức trọng thể lễ khai giảng khóa đầu tiên cho 94 học viên. Với sự chuẩn bị chu đáo, ông và Khoa Xe TTG đã có những đóng góp nhất định vào thành công của các khóa học sau này...

Thượng tướng, PGS, TS Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng có đôi lời nói về thầy giáo của mình: "Chúng tôi vẫn nhớ những bài giảng của thầy Nguyễn Văn Phước, rất trí tuệ, rất nhân văn, rất có "lửa" bởi sự kết hợp giữa lý luận quân sự thế giới, đường lối quân sự Việt Nam và kinh nghiệm sử dụng TTG trên chiến trường. Thầy tôi rất gần gũi và thường xuyên giúp đỡ học viên trong học tập và cả đời sống...".

leftcenterrightdel

Cuộc hội ngộ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước và cô giáo Hồ Mộ La, tháng 10-2023. Ảnh do nhân vật cung cấp

Gắn bó nghĩa tình với đồng chí, đồng đội

Đi qua nhiều trận chiến, trong chiều dài ký ức và chiều sâu tâm hồn ông luôn có hình bóng đồng đội, vẫn thầm gọi tên đồng đội, đó là Chính trị viên đại đội Vũ Tuấn Anh, Trung đội trưởng Nguyễn Mạnh Tản, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lạc và nhiều anh em nữa..., họ vào sinh ra tử cùng ông, họ đã hóa mây trời!

Ông tìm thấy ý nghĩa của những chuyến đi dài đến mọi miền đất nước, như một sự tri ân với chính cuộc sống mà ông được bảo toàn sau mấy chục năm chiến tranh tàn khốc. Đi đến những vùng đất, nơi có dấu vết của tuổi trẻ mình, ông tìm kiếm những cảm xúc sau chiến tranh, cũng là cách để tri ân đồng đội, những người không may mắn sống sót trở về. Tâm nguyện này đã được vợ và các con ông thấu hiểu.

Năm 2019, dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ xe tăng đã ở tuổi 90 cùng vợ và các con trở về căn cứ Làng Vây xưa (Quảng Trị) làm đại lễ cầu siêu, để tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Rất đông cựu chiến binh xe tăng dự lễ, đặc biệt có hai người con của hai đồng đội đã hy sinh trong trận đánh Làng Vây...

Có một người anh, người đã cùng ông Phước chiến đấu, công tác bên nhau trong thời gian dài nhất, không ai khác là nguyên Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp Đào Huy Vũ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Xe tăng 202. “Năm 1952, sau trận Liêu Đông, anh Vũ về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 375, chúng tôi bắt đầu chiến đấu bên nhau từ ngày ấy. Năm 1956, chúng tôi cùng đi học đào tạo xe tăng ở Trung Quốc. Khi thành lập Trung đoàn Xe tăng 202, anh Vũ là Trung đoàn trưởng thì tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1. Từ đó, chúng tôi càng gắn bó hơn cùng với sự trưởng thành của binh chủng. Những ngày cuối cùng của cuộc đời anh, tôi luôn ở bên và lo cho anh được vài việc nhỏ. Tiếc là anh ra đi quá sớm, không được thấy những đổi thay to lớn của Quân đội và đất nước mình”, ông cầm khăn tay lau nước mắt.

Về nghỉ hưu, ông vẫn giữ được liên lạc với nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn thời kỳ mới thành lập. Năm 2000, khi điều kiện cho phép, ông đã đưa một số anh em cùng học ở Trung Quốc về thăm trường cũ. Đó là một chuyến đi nhiều kỷ niệm. Tiếc rằng nay nhiều anh em đã về với tổ tiên theo quy luật thời gian.

Gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước tại nhà riêng ít lâu, tôi tìm đến Lữ đoàn TTG 202 (Binh chủng TTG). Đại tá Nguyễn Đức Bình, Lữ đoàn trưởng đưa tôi đến nhà truyền thống thắp hương cho các liệt sĩ của lữ đoàn. Nhấp ngụm nước chè, anh kể: “Lữ đoàn 202 là đơn vị đầu tiên bác Phước công tác, cũng là đơn vị bác tham gia trận đánh cuối cùng. Lữ đoàn cũng là nơi anh Nguyễn Kháng Chiến-con trai bác-từng gắn bó. Chúng tôi giữ liên hệ thường xuyên và tích cực giúp đỡ nhau khi cần thiết”.

Được biết, năm 2016, gia đình Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước xây tặng Lữ đoàn công trình nhà truyền thống. Ông mong muốn đầu tư xây dựng công trình xứng tầm để giáo dục truyền thống lịch sử, để từ ghi nhớ và biết ơn sẽ nhân lên lòng dũng cảm và khí phách của những người lính xe tăng, xứng với danh hiệu “quả đấm thép”.

Đại tá Hoàng Anh Chiến, Chính ủy Lữ đoàn còn cho tôi biết thêm: Ngày 5-10-2023, kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống bộ đội TTG, bằng tiền lương hưu tích lũy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã gửi Lữ đoàn TTG 202 hơn 200 triệu đồng để làm quà tặng các cựu chiến binh xe tăng và gia đình.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước (ngồi xe lăn) thăm nhà truyền thống Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202 (Binh chủng Tăng thiết giáp). Ảnh do nhân vật cung cấp

Tấm lòng nhân ái, thủy chung

Khi tôi đến nhà thì ông đang chuẩn bị cho một chuyến đi. Sức khỏe không phải là thứ vô tận nhưng không mấy khi ông chịu nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Mỗi bận chỉ ăn được lưng bát cơm, cả đời vài bộ quân phục, thế nhưng bước chân của ông cụ tuổi 95 vẫn ưa dịch chuyển. Lần này, ông về ngôi nhà thờ họ Nguyễn Văn bên dòng sông Lam. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoài, con gái cả của ông cho biết: “Năm nào, vào tháng bảy âm lịch, cha tôi cũng về Vinh từ sớm để cùng gia đình chuẩn bị làm giỗ và cùng con cháu trong họ được đến thắp hương Bác Hồ”.

95 tuổi, ông không bỏ buổi thời sự nào, vẫn nghe radio, nghe đọc Báo Quân đội nhân dân, vừa qua, thông tin về bão Yagi (bão số 3) được ông cập nhật từng giờ. Ông tự hào vì bộ đội xuất hiện ở đâu là nhân dân vùng bão lũ được bình tâm trở lại, mà người đang hướng về vùng lũ lụt như ông bỗng nhiên thấy yên lòng. Ông lắng nghe người phục vụ đọc đi đọc lại bức thư Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi cán bộ, chiến sĩ Quân đội và dân quân làm nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Ông buồn bã khi hay tin có đồng chí cán bộ còn trẻ hy sinh trong lúc cứu giúp dân. Rồi ông và các con cháu trong gia đình lại ngồi bàn bạc, quyết định ủng hộ 1 tỷ đồng để giúp đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ.

Không thể đến vùng lũ, qua điện thoại, ông lại dõi theo các con trai, con gái đến cứu trợ tận thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên) và thôn Nậm Tông (Nậm Lúc, Bắc Hà) của tỉnh Lào Cai. Cựu chiến binh xe tăng Trần Đô ở Đoan Hùng, Phú Thọ khi biết thông tin này đã tặng cha con vị tướng xe tăng mấy câu thơ: “Một thời khói lửa chiến tranh/ Nay khi bão lũ nghĩa tình thủy chung/ Nghĩa cử đẹp, tấm lòng vàng/ Cha truyền, con nối, tiếng vang muôn đời”.

Vừa qua, tôi gặp cựu chiến binh xe tăng Nguyễn Khắc Nguyệt, được nghe ông kể: Chuyện là sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Phước được cử về Trường Văn hóa Quân đội (Hải Phòng) học tập để chuẩn bị đi đào tạo ở Trung Quốc. Do phải giúp dân chống lụt nên Nguyễn Văn Phước đến tập trung muộn gần 3 tháng. Sự muộn mằn đó gây ra rất nhiều khó khăn cho người cán bộ trẻ, nhất là với môn học Trung văn, vì phải ngày đêm học đuổi. Thế nhưng, với sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, đặc biệt là cô Hồ Mộ La, học viên Nguyễn Văn Phước đã vượt mọi khó khăn, giành kết quả cao trong học tập. Tháng 8-1956, Nguyễn Văn Phước còn được cử đi đào tạo ở nước ngoài.

Sau này, học viên Nguyễn Văn Phước mới biết, cô giáo Hồ Mộ La sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc nên rất giỏi Trung văn. Cô là con gái của nhà cách mạng tiền bối Hồ Học Lãm.

Cuộc đời binh nghiệp lăn lộn nơi chiến trường, không có cơ hội gặp lại những thầy cô xưa nhưng trong lòng ông không bao giờ quên được tháng năm đẹp đẽ ấy. Năm 2023, một lần xem truyền hình, ông tình cờ thấy cô giáo cũ trên ti vi, nhờ sự giúp đỡ của người thân, ông có được địa chỉ của cô giáo, song người học trò vẫn còn băn khoăn: Không biết cô có còn nhớ mình không? Rồi ông quyết định: Dù cô còn nhớ hay không thì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, đạo học trò là phải đến thăm cô giáo.

Thế là vào một ngày gần cuối tháng 10-2023, Hà Nội trời thu se lạnh, giây phút gặp gỡ đầu tiên của học trò tuổi bách niên chi lão với cô giáo năm xưa làm nhiều người rơi lệ. Ông trân trọng tặng bà giáo bó hoa tươi thắm với lời chúc luôn mạnh khỏe, nhiều niềm vui. Nhà giáo Hồ Mộ La rất xúc động bởi bà thừa nhận không còn nhớ bất kỳ ai trong số học viên ngày ấy, nhưng lại được nhận niềm vui quá đỗi bất ngờ. Có một điều hết sức tuyệt vời là cả cô giáo và học trò dù đã ở tuổi đại thọ song đều rất minh mẫn. Câu chuyện giữa hai người cứ nổ như ngô rang.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước đã trân trọng mời cô giáo sớm đến thăm gia đình. Nhà giáo Hồ Mộ La hết sức xúc động nhận lời. Ít hôm sau đó, ông và con cháu rất vui mừng được đón tiếp cô giáo đến thăm nhà. “Trong cuộc đời, tôi có nhiều suy ngẫm về thời cuộc, về thế thái nhân tình. Có những điều bất như ý, song tôi tự hào về những tháng ngày mình đã sống, những việc mình đã làm, thử thách mình đã vượt qua... và rút ra những nguyên tắc sống sao cho thanh thản đến cuối đời. Hạnh phúc nhất đời tôi là 3 lần tôi được gặp Bác Hồ” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Phước bùi ngùi chia sẻ...

NGUYỆT MINH