Ngồi thuyền xuôi ngược sông La từ ngã ba Phủ lên bến Tam Soa giờ đã trở thành hoạt động hấp dẫn du khách. Trên hành trình dài ngót 15km ấy, khách được chiêm ngưỡng sự giàu có về di sản văn hóa làng nghề của huyện Đức Thọ. Nhìn qua bờ Bắc, ánh lửa đun hến bập bùng thâu đêm của “làng trăm nghề” thôi thúc trí tò mò của du khách.

Làng Hến ở xã Trường Sơn vốn có một cái tên khá mỹ miều ấy là Minh Châu, nhưng cái tên này chỉ dùng trong thần phả thờ thành hoàng làng, vốn là một vị tiên hiền làm nghề cào hến. Dân quanh vùng cũng chỉ biết đến cái tên làng Hến hoặc “làng trăm nghề”. Nói ra cũng thú, bởi trăm nghề phụ của làng này ngẫm vẫn từ con hến. Khoảng hơn 300 năm về trước, làng đã làm nghề cào hến rồi. Hến cào lên từ lòng sông sau khi được sàng lọc, ngâm, phơi thì phải nấu trong nước sôi để lấy ruột hến, sau đó ruột hến được ngâm ướp theo yêu cầu của khách hàng. Trong quá trình chế biến con hến này sẽ sinh ra một số phụ phẩm ấy là vỏ hến, người dân lại dùng để nung vôi, trong quá trình nung vôi lại sinh ra một phụ phẩm ấy là than củi. Mà than củi lại cần có những sọt đựng, từ đó sinh ra nghề đan tre... cứ như vậy người làng làm đủ các nghề, theo một sự phân công, thỏa thuận ngầm giữa các gia đình, dòng họ để rồi trong “chuỗi sản xuất” ấy sinh ra trăm nghề.

leftcenterrightdel
Đãi hến trên bến sông. 

Người làm hến hay bị trêu là “số khổ” bởi “ngủ nửa đêm, ăn nửa bữa” gỡ lại có chút sung sướng “một ông ba bà”. Chuyện thực thế này, một người đi cào hến cần có 3 người phục vụ và đều là phái nữ, ấy cũng bởi các ông đi thâu đêm, khi thuyền về thì đã mệt lả, các bà thì khéo tay sàng sảy bán buôn. Thuyền về, ghé mũi vào bến là các ông có quyền nhảy phắt lên bờ về nhà đi ngủ; việc neo, việc chống, việc sàng, việc đãi, chế biến, bán buôn các bà lo cả.

Cào hến ngẫm ra không phải là nghề quá khó, thế nhưng cào hến trên lòng sông thì phải có bí quyết mới làm được, từ cách nhảy trên thuyền xuống nước, cho tới cách lắc vợt, rê gầu, kéo gầu, hay cách buộc hòn đá neo để thuyền trôi chậm theo dòng nước... sức ấy phải đàn ông mới làm được. Người làng Hến làm nghề theo phường, thường thì hai người một thuyền, mươi, mười lăm thuyền thành một đội, người đội trưởng và cũng là người già nhất gọi là ông “ghẹ”, bạn thuyền gọi là “trai”. Đoàn thuyền khởi hành đi cào hến từ lúc nửa đêm. Trong đêm đen, các thuyền phải giữ khoảng cách để tránh bị lạc. Họ dùng cách gọi, đáp qua âm thanh xa gần để xác định khoảng cách...

Trưởng làng Hến là ông Lê Kim Trọng, 65 tuổi, nhân dẫn chúng tôi tham quan bãi hến kể rằng, mấy chục năm gần đây làng đã không còn nung vôi từ vỏ hến. Số vỏ hến thừa đem đổ bãi sông, ô nhiễm thì không bị vì phần lớn đã luộc lên rồi, nhưng loại “rác” này số lượng cũng lớn quá. Mấy năm mà đoạn sông dài đến 500m đã bị bồi ra một đoạn dài. Cũng vì bãi bồi nhân tạo này mà thời gian qua, “nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo nên một cái bến ở bãi ngoài làm chỗ cho người dân sơ chế sản phẩm.

Ông Trọng nguyên là xã viên Hợp tác xã Minh Châu, thuở những năm 90 của thế kỷ trước. Theo ông, cũng nhờ con hến trên sông La mà nhiều công trình quanh vùng này có vôi để xây dựng, ngẫm lại mà thấy thương cho một thời đất nước còn gian khó. Ông Trọng nói: “Nghề làm hến tính ra chỉ đủ ăn. Nhớ lại cái thời đói kém “gạo châu, củi quế” mấy chục năm về trước, dăm chục cân hến mới đổi được một cân gạo. Cũng may nhờ ơn dày của thành hoàng làng mà người dân làng hến có cái đức cần cù. Gặp buổi khó khăn cũng biết đi mót từng con trai, con dắt mà vượt qua bĩ cực”.

Người làng Hến nếu so với các làng khác quanh vùng thì không được tiếng “hay chữ”, nhưng cũng vì cái chí dám bỏ qua mặc cảm để vươn lên nên đến giờ học sinh trong làng nổi tiếng đỗ đạt. Điều này có thầy Dương Thế Vinh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đức Thọ xác nhận. Thầy kể, xưa dù ngập lụt, đói ăn nhưng người làng Hến vẫn nhất quyết cho con đi học, và thực tế học sinh làng này học rất giỏi.

Con em hay chữ ấy là điều đáng mừng, nhưng cũng vì thế mà nghề làm hến đang dần mai một. Tính ra thanh niên trong làng độ tuổi dưới 30 giờ không còn ai làm hến nữa. Dù rằng mấy năm gần đây, sản phẩm của làng rất có tiếng, từng xuất khẩu đến tận trời Âu. Thoạt nghe chuyện này, đoàn chúng tôi ngạc nhiên lắm, phải đến lúc xem hết quy trình của bà con làm hến mới thấy rằng điều đó là hoàn toàn có thể. Ruột hến luộc lên có hai cách ướp, một là ướp muối để được 15 ngày, hai là cấp đông sâu cho “cả nước lẫn cái” thì để được cả tháng, tất nhiên với điều kiện có máy bảo quản. Do bán được giá nên người dân đầu tư lại cho sản xuất, vì thế mà mấy thứ máy móc bảo quản, xe đông lạnh, ô tô người làng sắm sang đủ cả.

Mải chuyện chợt đâu thấy một con thuyền nhẹ lướt về bờ, Trưởng làng Kim Trọng quen mắt ra chào, ấy là thuyền nhà Trường-Lan. Ông Trường năm nay 55 tuổi, bà Lan cũng đã 51 tuổi. Nhà có hai con, đều đã dựng vợ, gả chồng và ở tận Hà Nội và TP Vinh, nhà tưởng đông hóa thành neo người. Trưởng làng than thở: “Ấy cũng là tình cảnh chung của hàng trăm hộ dân trong làng, con cái thành đạt ra thành phố ở hết, nghề hến giờ chỉ mấy ông bà già duy trì”.

leftcenterrightdel

Người dân làng Hến vui được mùa. 

Thuyền ông Trường cập bến, nhìn vào khoang thấy cũng không ít hến, tính nhanh chuyến này cũng để ra được hơn 1 triệu đồng. Đấy là trừ chi phí xăng, dầu, thuê người luộc, người đãi, thuê vận chuyển đến tay khách hàng. Một triệu đồng cho khoảng 16 giờ làm (từ 23 giờ hôm trước đến 15 giờ hôm sau), tính ra cũng là thu nhập cao. Ấy là hôm nay thất thu chứ dịp lễ, Tết giá hến cao, một chuyến được dăm triệu đồng cũng không hiếm gặp. Vậy nhưng thanh niên giờ cũng ít ai muốn làm cái nghề mà cha ông chúng phải “ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm”.

Nỗi lo làng nghề truyền thống mai một không chỉ riêng của người dân làng Hến, mà thực đó chính là trăn trở của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đức Thọ. Nghị quyết thì đã ban hành, tuyên truyền thì cũng có hàng trăm bận, ấy thế nhưng nếu nghị quyết không phù hợp với nguyện vọng của người dân thì rất khó đi vào cuộc sống. Nguyện vọng của lớp trẻ bây giờ là đi làm xa, thoát ly làng xã dù thực tế cuộc sống rất khốc liệt, cầm tấm bằng đại học cũng khó bảo đảm kiếm được 10 triệu đồng/tháng để chi trả cho hàng trăm loại chi phí nơi phố thị. Khó thế đấy!

Theo tính toán của Huyện ủy Đức Thọ, nhiều xã có đến một phần ba dân số đi làm ăn xa, mà lực lượng này hầu hết rơi vào thanh niên độ tuổi dưới 35. Thêm điều đáng tiếc nữa là dù mang tiếng là "làng trăm nghề” nhưng lại chưa có sản phẩm OCOP, dù sản phẩm “lẩu hến sông La” từng giành giải cao của nhiều cuộc thi ẩm thực trong và ngoài tỉnh. Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đức Thọ Mai Ngọc Hà cho biết: “Gần đây, cùng với nỗ lực của Huyện ủy trong việc phát triển văn hóa, con người địa phương nhằm phát triển, xây dựng quê hương đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu tốt...".

Được biết, ngay tại làng Hến cũng đã có mô hình kinh tế cho thuê thuyền du lịch sông La; những nghề đóng tàu, đan tre, nuôi trồng thủy sản... cũng đang được nhân rộng. Theo chúng tôi, để giữ nghề truyền thống, giữ gìn di sản cha ông còn cần những “cánh chim đầu đàn” đó là những doanh nghiệp mạnh để đổi mới phương thức sản xuất, tiếp thị sản phẩm, từ đó làm tấm gương để lan tỏa, giúp dân hiểu rõ văn hóa cũng chính là nguồn lực, tài sản quý báu và bền vững của mỗi địa phương.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG