Phóng viên (PV)Trước tiên, xin chúc mừng bà đã đắc cử Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ II (2024-2029). Đánh giá về những kết quả tiêu biểu mà một hiệp hội non trẻ đạt được có thể kể đến là gì, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan: Từ một ban vận động gồm 15 người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh hoặc không trực tiếp hoạt động điện ảnh nhưng sẵn sàng hỗ trợ xúc tiến phát triển điện ảnh; Đại hội Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ I (2019-2024) đã tập hợp gần 200 tổ chức, cá nhân gia nhập hiệp hội, tự nguyện cùng nhau góp sức phát triển điện ảnh Việt Nam. Trong 5 năm qua, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hiệp hội đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Phát huy năng lực của các tổ chức, cá nhân để cùng phát triển điện ảnh; đề xuất những giải pháp thu hút, hỗ trợ các nhà sản xuất phim trong và ngoài nước làm phim tại Việt Nam; góp phần giới thiệu đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam ra thế giới ngay tại Việt Nam hoặc tại những sân chơi điện ảnh lớn nhất của khu vực; phát hiện, khích lệ và bồi dưỡng các tài năng trẻ; kết nối, đồng hành với các địa phương để gắn điện ảnh với phát triển du lịch và các ngành dịch vụ, kinh tế liên quan.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Ngô Phương Lan. 

Trong đó, sản phẩm lớn nhất, đang trên đà phát triển rõ rệt về quy mô, sức lan tỏa mạnh và uy tín nghề nghiệp qua từng năm là Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng (gọi tắt là DANAFF), với chủ đề “Nhịp cầu châu Á”, do hiệp hội sáng lập và phối hợp với TP Đà Nẵng tổ chức, bắt đầu từ năm 2023, ngay khi Luật Điện ảnh năm 2022 tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn. DANAFF kỳ I năm 2023 được bình chọn là một trong 10 sự kiện, vấn đề văn hóa nổi bật, được dư luận quan tâm năm 2023. DANAFF kỳ II được đánh giá là nâng tầm hơn DANAFF I về chất lượng chuyên môn, tính chuyên nghiệp và quy mô. Hiệp hội tiếp tục cùng TP Đà Nẵng tổ chức DANAFF-LHP thường niên đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện nay, đồng thời phát triển thương hiệu DANAFF thành một LHP uy tín trong khu vực và trên thế giới.

PV: Dường như định hướng của hiệp hội tập trung vào phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam, thưa bà?

TS Ngô Phương Lan: Đúng là sự nghiệp phát triển điện ảnh của Việt Nam hiện nay gắn chặt với sự nghiệp xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh. Điều này được thể hiện trong Luật Điện ảnh năm 2022. Hiệp hội cũng xác định rõ nhiệm vụ góp sức vào sự nghiệp chung đó. Các hoạt động chính của hiệp hội đã đem lại hiệu quả thiết thực và đạt được kết quả bằng những sản phẩm ý nghĩa xã hội, có thể xếp vào 3 nhóm lớn. Một là, chủ trì, phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tổ chức các hội thảo quốc tế đánh giá thực trạng, tìm giải pháp phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Hai là, tổ chức các cuộc thi, LHP để vinh danh những tác phẩm xuất sắc, phát hiện và khích lệ tài năng trẻ, đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập bình đẳng với điện ảnh quốc tế và đem tinh hoa điện ảnh quốc tế đến Việt Nam. Ba là, thông qua các bối cảnh phim, quảng bá hình ảnh Việt Nam, thu hút đoàn làm phim đến quay phim ở những địa phương với việc triển khai Bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim/Production Attraction Index (PAI) do hiệp hội xây dựng và triển khai thí điểm.

Qua Bộ chỉ số PAI, hiệp hội trở thành cầu nối hữu hiệu giữa các nhà làm phim và địa phương. 10 tỉnh, thành phố đã tham gia vào Bộ chỉ số PAI năm 2023 và Phú Yên là địa phương dẫn đầu chỉ số thu hút đoàn phim. Bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” là tác phẩm đầu tiên được sản xuất với sự hỗ trợ của PAI, khiến cả hai bên là đoàn phim và tỉnh Phú Yên đều được hưởng lợi, như những “trái ngọt” đầu tiên của Bộ chỉ số PAI. Năm 2024, con số các tỉnh, thành phố tham gia PAI tăng lên 37 và hiệp hội tổ chức tổng kết một năm thực hiện PAI, công bố xếp hạng các tỉnh, thành phố vào tháng 12-2024, vinh danh địa phương dẫn đầu và tốp 10 địa phương có chỉ số PAI cao nhất.

Đồng thời với việc công bố Bộ chỉ số PAI, website www.vietnamfilmproduction.vn do hiệp hội phối hợp với công ty Baker & e Việt Nam xây dựng đã ra mắt, làm tiền đề cho việc mời gọi các nhà làm phim quốc tế đến với môi trường làm phim có nhiều thuận lợi ở Việt Nam. Đây quả thật là những giải pháp thiết thực để phát triển công nghiệp điện ảnh.

leftcenterrightdel

Cảnh hậu trường phim “Khu rừng của Páo” của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt. Ảnh: NGUYỄN THÀNH 

PV:Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của điện ảnh là nguồn nhân lực. Theo bà, đâu là những điều cần tập trung quan tâm cho đội ngũ giai đoạn hiện nay? Thời gian qua, hiệp hội đã quan tâm tới vấn đề này ra sao?

TS Ngô Phương Lan: Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của yếu tố con người nên không chỉ bàn luận, tìm kiếm giải pháp và hướng đi cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam qua các hội thảo, hiệp hội còn phát hiện, khích lệ và nâng đỡ những tài năng điện ảnh trẻ bằng việc tạo ra các cuộc thi thú vị và ý nghĩa.

Đầu năm 2020, hiệp hội phối hợp với Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) mời gọi các nhà làm phim trẻ gửi dự án phim cho Cuộc thi "Film Pitching-Từ kịch bản đến màn ảnh". Sau khi tiến hành các vòng tuyển chọn trong thời gian đại dịch Covid-19, tháng 4-2022, vòng pitching đã diễn ra thành công và tác giả có dự án đoạt giải nhất đã được nhận phần thưởng là một khóa đào tạo ngắn tại Mỹ.

Hiệp hội cũng tổ chức Cuộc thi phim ngắn "Màn ảnh xanh" hưởng ứng Chiến dịch “Màn ảnh xanh Việt Nam-đường tới phát triển bền vững” do hiệp hội phối hợp với Netflix phát động, thu hút đông đảo nhà làm phim trẻ tham gia vào năm 2022. Qua đó vừa khích lệ các tác giả trẻ tài năng vừa lan tỏa trong cộng đồng làm phim và xã hội thông điệp “sống xanh, sản xuất phim xanh, bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển bền vững”.

Năm 2023, cuộc thi sáng tạo clip trực tuyến “Tôi yêu Việt Nam” (I LOVE VIETNAM) do hiệp hội và MPA phối hợp tổ chức đã tạo ra một làn sóng lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước. Cuộc thi thu hút các bạn trẻ trong cả nước tham gia, vừa thể hiện năng lực của mình vừa quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến du lịch và địa điểm lý tưởng để quay phim.

Nhưng có thể nói, trọng tâm của hiệp hội để phát hiện và bồi dưỡng tài năng là các hoạt động trong DANAFF. LHP có hai khu vực phim dự thi là phim châu Á và phim Việt Nam, qua đó tôn vinh các phim xuất sắc và khích lệ những nhà làm phim trẻ tài năng. Cả hai kỳ DANAFF vừa qua, phim Việt Nam đều đăng quang giải Phim châu Á hay nhất (“Những đứa trẻ trong sương” năm 2023 và “Culi không bao giờ khóc” năm 2024). Cũng trong khuôn khổ DANAFF, workshop “Ươm mầm tài năng” do hiệp hội chủ trì, phối hợp với nhóm Gặp gỡ mùa thu tổ chức thường niên đã thành công. Mỗi workshop gồm hai lớp đào tạo diễn xuất (cơ bản và nâng cao) với chuyên gia Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đã truyền cả kỹ năng lẫn lửa yêu nghề để các bạn vững vàng vào nghề. Năm 2025, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, đồng thời mở thêm các chợ dự án phim để phát hiện, khích lệ những nhà làm phim trẻ tài năng, mới cho điện và giúp họ hiện thực hóa bộ phim trên giấy lên màn ảnh.

PV: Điện ảnh được xác định là ngành mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhưng dường như chúng ta vẫn chưa phát huy được tiềm năng tương xứng. Theo bà, điện ảnh Việt Nam đang có gì và cần gì để thực sự là ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo vị thế trên trường quốc tế?

TS Ngô Phương Lan: Quả là một câu hỏi lớn và không dễ trả lời! Công nghiệp điện ảnh là chuỗi sáng tạo-sản xuất phim-phát hành, phổ biến phim và xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh-bảo vệ bản quyền tác phẩm-tái sản xuất từ nguồn thu của thị trường. Theo tôi, trước tiên, chúng ta phải có một nội lực điện ảnh đủ sức mạnh, trong đó quan trọng nhất là phát triển hài hòa các dòng phim Việt Nam là dòng phim “chính thống”, dòng phim thương mại, dòng phim nghệ thuật và độc lập, bởi mỗi dòng phim đều có giá trị và mục tiêu của mình. Để làm được điều này, yếu tố con người giữ vai trò quyết định. Việc này chúng ta vừa đề cập đến một số giải pháp phát hiện, khích lệ tài năng, phát triển nhân lực trẻ. Nhưng thiếu cơ chế phù hợp thì tiến trình phát triển của công nghiệp điện ảnh cũng sẽ bị kìm hãm.

Nhà nước rất cần duy trì và đẩy mạnh hợp tác công tư, đồng thời xác định rõ cơ chế hợp tác, vì đây là chìa khóa để phát triển công nghiệp điện ảnh. Trường hợp phim đặt hàng “Đào, phở và piano” tạo cơn sốt tại rạp, nhưng loay hoay việc “chia tỷ lệ” giữa nhà sản xuất và nhà rạp, dẫn đến tất cả doanh thu buộc phải nộp ngân sách (nhà rạp hoàn toàn chịu lỗ tiền phát hành, phổ biến phim nên chỉ có vài nhà rạp nhỏ “được giao nhiệm vụ” hoặc tự nguyện tham gia) không thể là con đường phát triển bền vững cho công nghiệp điện ảnh, bởi vì chưa đúng quy luật phát triển. Như vậy cần những quy định dưới luật rõ ràng, minh bạch và cơ chế phù hợp thì chúng ta mới có thể phát huy được sức mạnh nội sinh của điện ảnh, tạo sự cộng hưởng giữa công nghiệp điện ảnh với các ngành dịch vụ, kinh tế liên quan cũng như mở rộng hợp tác quốc tế-một thế mạnh của điện ảnh mà khó có ngành văn học, nghệ thuật nào sánh được!

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

DƯƠNG THU (thực hiện)