Không “đánh đấm đa lĩnh vực”

Phóng viên (PV): Nghề báo là nghề rất nhiều áp lực. Đối với nữ thì áp lực còn nhiều hơn. Là một nhà báo nữ, lại là Tổng biên tập, chị chịu áp lực của nghề báo như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Hải Hồng: Đúng như vậy! Phóng viên nữ nói chung hay nói rộng hơn là tất cả những ai là nữ giới làm trong các cơ quan báo chí đều có những thuận lợi riêng, nhưng đi kèm đó là rất nhiều áp lực-vì phụ nữ bên cạnh hoàn thành tốt công việc còn có thiên chức làm mẹ, rồi lo toan cho gia đình nữa.

Còn trên cương vị lãnh đạo Báo Bảo hiểm xã hội thì áp lực lại càng lớn hơn, đó là lo để làm sao tờ báo phát triển đúng hướng, đáp ứng được yêu cầu công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Đảng và Nhà nước; thu hút được nhiều bạn đọc, vì chúng tôi nhận thức rằng có bạn đọc là có tất cả.

Trong xu thế chung, từ năm 2017, Báo Bảo hiểm xã hội thực hiện tự chủ tài chính. Đây cũng là khó khăn, thử thách rất lớn mà chúng tôi phải đối mặt. Điều khiến chúng tôi luôn tự tin, đó là ngoài sự ủng hộ của bạn đọc, Báo Bảo hiểm xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã tạo điều kiện tốt nhất về cơ chế chính sách cho báo hoạt động ổn định và phát triển.

Áp lực nữa là việc giữ được ngọn lửa nghề trong tòa soạn. Bởi việc thay đổi cơ chế tài chính, nếu không làm tốt công tác tư tưởng sẽ làm cán bộ, phóng viên, biên tập viên dao động. Chúng tôi chọn giải pháp bố trí cán bộ, phóng viên để mọi người phát huy hết khả năng chuyên môn, giảm chi phí để bảo đảm thu nhập. Điều vui mừng là đến giờ này tôi có thể tự hào nói rằng, chỉ cần làm việc chăm chỉ, cán bộ, phóng viên trong tòa soạn đều có thể sống được bằng nghề.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian trưng bày của Báo Bảo hiểm xã hội tại Hội báo toàn quốc năm 2018. Ảnh: Hồng Dương.

PV: Khi trở thành Tổng biên tập, đâu là bí quyết để chị lo chu toàn việc nước, việc nhà?

Nhà báo Nguyễn Hải Hồng: Nam giới làm đến tổng biên tập có thể xem là người thành đạt và có thể dành nhiều thời gian hơn để lo cho công việc. Còn với phụ nữ, thành đạt đến đâu thì vẫn phải lo toan cho gia đình của mình-ý tôi nói ở đây là câu chuyện thiên chức.

May mắn là tôi có được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Công việc gia đình với tôi là niềm vui, hạnh phúc vì đó là lúc tôi được thư giãn sau những lo toan thường nhật. Trong gia đình, tôi là người khá chu toàn, đơn giản như bận đến mấy, nếu không phải đi công tác xa, tôi luôn lo đủ bữa ăn nóng cho gia đình. Hằng ngày, tôi vẫn giữ thói quen đi chợ để luôn có được bữa ăn tươi, cũng vất vả đấy nhưng như tôi đã nói, tôi coi đây là niềm vui mỗi ngày.

Còn công việc ở cơ quan, công việc “giữ lửa” nghề có lẽ chiếm nhiều thời gian, tâm sức của tôi. Thời gian ở cơ quan nhiều hơn thời gian ở nhà; xây dựng cơ quan thì phải dụng tâm nhiều hơn để vun đắp một tập thể đoàn kết, đồng lòng, luôn đặt lợi ích của tòa soạn lên trên hết; luôn công tâm và công bằng, có như vậy mới bảo đảm cho tòa soạn phát triển và luôn hướng về phía trước.

Trong môi trường thông tin cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc làm báo đúng tôn chỉ, mục đích sẽ rất khó khăn, nhưng Báo Bảo hiểm xã hội chọn con đường của riêng mình và quyết tâm giữ gìn bản sắc riêng, đó là “sống với người lao động và viết vì người lao động”-là một tờ báo lan tỏa thông điệp nhân văn.

Chúng tôi biết bạn đọc của mình là ai, bạn đọc cần gì ở mình. Mỗi cán bộ, phóng viên vừa phải rèn nghề, vừa phải nắm bắt thật chắc kiến thức trong lĩnh vực an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói riêng mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Nếu chạy theo thị hiếu, nhất là chạy theo những sự vụ theo “trend” thì nhất thời có thể được dư luận quan tâm, nhưng lâu dài dễ mất bản sắc tờ báo. Cũng vì lẽ đó mà nhiều khi chúng tôi chấp nhận mình thiệt thòi, nhưng cái được lớn nhất là niềm tin của bạn đọc và của ngành bảo hiểm xã hội vì những thông tin chính xác, kịp thời, chuyên sâu và mang tính định hướng cao trong lĩnh vực của mình.

Biết chấp nhận thiệt thòi

PV: Được biết, Báo Bảo hiểm xã hội cũng có nhiều vệt điều tra rất sâu sắc. Ví dụ vệt bài điều tra “doanh nghiệp đại gia” nợ bảo hiểm xã hội rất có sức chiến đấu...?

Nhà báo Nguyễn Hải Hồng: Nhiều người quan niệm báo ngành thì phải né những hạn chế, tiêu cực của ngành, như kiểu không “vạch áo cho người xem lưng”. Nhưng tôi thì quan niệm, Báo Bảo hiểm xã hội phải đi đầu trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Điều này được lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam ủng hộ nên chúng tôi rất tự tin với mảng đề tài này.

Liên quan đến tình trạng tiêu cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội ở các tỉnh phía Nam trong lúc dịch Covid-19 gần đây, như việc nhiều “đầu nậu” lên mạng dụ dỗ, mời chào thu mua sổ bảo hiểm xã hội, thậm chí còn đưa ra các chương trình “khuyến mãi” để chèo kéo người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội. Sự việc này đã được Báo Bảo hiểm xã hội điều tra và đã có loạt bài “Lợi dụng dịch Covid-19: Các “đầu nậu” lại bát nháo thu gom sổ bảo hiểm xã hội”. Loạt bài đã phản ánh tình trạng khó khăn của công nhân, đồng thời chỉ đích danh địa chỉ các trang Facebook của “đầu nậu” cùng số điện thoại, các trang Facebook mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội Bình Dương để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Sau khi Báo Bảo hiểm xã hội và các cơ quan báo chí khác lên tiếng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm và cảnh báo người dân trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời ngăn chặn tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra còn có những loạt bài khác về hành vi trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh cho người dân. Nhờ những thông tin báo đăng mà có những công nhân nghèo bị tai nạn lao động đã được hưởng chế độ. Họ gửi thư cảm ơn tòa soạn luôn đứng về lẽ phải, bảo vệ cái đúng. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại có thêm niềm vui.

PV: Có một nhà báo lớn đã từng nói: “Chúc báo có nhiều kẻ thù”. Một tờ báo trong quá trình thực hiện tôn chỉ, mục đích của mình thế nào cũng phải chống lại những cái xấu, những cái tiêu cực... Vậy đâu là kẻ thù của Báo Bảo hiểm xã hội?

Nhà báo Nguyễn Hải Hồng: Chúng tôi làm việc đúng thì không sợ gì. Nói vậy chứ tôi cũng bị đe dọa nhiều lần rồi. Như lần báo đăng bài các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, có trường hợp trên Yên Bái gọi điện dọa “xử” tôi. Hay như có lần điều tra tiêu cực của một bệnh viện, chúng tôi phải “bày mưu tính kế”, xây dựng kế hoạch bảo vệ cho phóng viên tác nghiệp, rồi lên các phương án để xử lý những tình huống… Nói chung, tác nghiệp trong lĩnh vực của chúng tôi cũng có những khó khăn, nguy hiểm riêng, nhưng chúng tôi không sợ vào nơi khó khăn, nguy hiểm vì chúng tôi tin tưởng vào cái thiện, cái tốt đẹp. Tôi nghĩ chùn bước trước khó khăn mới chính là kẻ thù!

Muốn chống tiêu cực thì phải sạch

PV: Đấu tranh chống tiêu cực thì thường phải chịu thua thiệt. Chị bảo vệ phóng viên chống tiêu cực như thế nào?

Nhà báo Nguyễn Hải Hồng: Làm điều tra thì luôn đối mặt với nhiều cám dỗ, chúng tôi cũng luôn luôn phải chống. Anh em nào có “máu” điều tra là quý, nhưng phải luôn nắm bắt để không ai sa ngã vì cái lợi của bản thân.

Sau đó là có chế độ nhuận bút xứng đáng với những bài điều tra chống tiêu cực. Thứ hai là chế độ khen thưởng, đãi ngộ một cách xứng đáng.

Nhưng tôi nghĩ, nghề báo đã ngấm vào máu rồi nên phóng viên của chúng tôi khi viết điều tra đều xuất phát vì lương tâm, không chịu im lặng trước cái xấu. Làm vì say nghề!

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

HỒNG NGUYỄN - HOÀNG VIỆT (thực hiện)