Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27-1-1973 / 27-1-2023), phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần có cuộc trò chuyện với nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Trợ lý Tổng Bí thư, thành viên Đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này là Đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến thắng lợi to lớn này.
Chính sách ngoại giao có cương, có nhu
Phóng viên (PV):
Thưa ông, những dấu ấn nổi bật về văn hóa ngoại giao Việt Nam trong quá trình đàm phán tại Hội nghị Paris là gì?
Đồng chí Hà Đăng: Hội nghị Paris là cuộc đối thoại giữa hai nền ngoại giao-nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường và nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ. Ở Hội nghị Paris đã diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai ý chí, hai trí tuệ, hai loại pháp lý và đạo lý, hai thứ mưu lược khác nhau.
Câu chuyện ngoại giao ấn tượng nhất tại Hội nghị Paris chính là câu chuyện các nhà đám phán của ta thời đó đã vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Bác Hồ từng căn dặn cán bộ ta: Trong ngoại giao cũng như trong xử lý các tình huống phức tạp, “chính sách phải có cương, có nhu. Cương quá thì dễ gãy. Nhu quá thì hèn. Nói nên nhu. Làm nên cương”. Tại bàn đàm phán, ngoại giao của ta luôn biết hướng tới thắng lợi lớn toàn cục nhưng cũng biết giành từng thắng lợi nhỏ trong mỗi trận đấu, mỗi phiên họp. Biết tính toán kỹ lưỡng từng đường đi nước bước, chắc chắn, thận trọng nhưng không để rơi vào thế bị động. Kiên quyết phê phán những sai trái, khai thác chỗ yếu của đối phương nhưng có thái độ trọng thị với người đối ngoại.
PV: Ông cho biết rõ hơn, chúng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh tại cuộc đàm phán Hiệp định Paris như thế nào?
Đồng chí Hà Đăng: Tại cuộc đàm phán Paris, các đoàn đại biểu của ta là Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, sau đó là Đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã vận dụng một cách cực kỳ khôn khéo sách lược “Tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Đây là sách lược ngoại giao tài ba của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ ngoại giao lần thứ năm, ngày 16-3-1966, Người chỉ rõ: “Bây giờ, ngoại giao của ta vừa là một mà vừa là hai, vừa là hai mà lại vừa là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vừa có ngoại giao của Mặt trận. Hai khối đó phải kết hợp chặt chẽ với nhau”. Tại cuộc đàm phán Paris, ngoại giao Việt Nam đã thực hiện nghiêm chỉnh và sáng tạo lời dạy đó của Bác Hồ.
Tuy phải chấp nhận hội nghị bốn bên nhưng đối phương vẫn tìm mọi thủ đoạn để hạ thấp vai trò của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời. Đoàn Mỹ luôn né tránh việc nói chuyện trực tiếp với Đoàn Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời, đòi tách riêng các vấn đề quân sự với các vấn đề chính trị trong một giải pháp toàn bộ, tức là vừa đòi hai bên cùng rút quân, vừa lẩn tránh vấn đề phải từ bỏ chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn thì ngạo mạn tuyên bố chỉ công nhận Mặt trận như “một thực tế chứ không phải một thực thể”.
Đáp lại, trong tư thế đại diện chân chính của miền Nam chiến đấu, Đoàn Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời đã mạnh mẽ tố cáo và đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do họ lập ra. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong cương vị người chủ của nước Việt Nam độc lập, đang cùng Mặt trận, Chính phủ cách mạng lâm thời và nhân dân cả nước chống xâm lược, vừa đưa ra lập trường riêng của mình, vừa ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời. Trước mắt thế giới, không ai không nhận thấy rằng, lập trường và các kiến nghị về giải pháp do hai đoàn miền Bắc và miền Nam đưa ra tại hội nghị từ lúc mở đầu đến khi kết thúc đều có chung một tiếng nói.
"Các ông có phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh"
PV: Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện trong quá trình tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris?
Đồng chí Hà Đăng: Tại Hội nghị hai bên (từ ngày 13-5 đến hết tháng 10-1968), nhà đàm phán kỳ cựu A.Harriman có nói đại ý: “Tôi đã làm ngoại giao 40 năm, từng là nhân vật số 2 tại Hội nghị Yalta đàm phán với Xtalin. Xtalin rất cứng rắn nhưng vẫn “có đi, có lại”. Các ông còn cứng rắn hơn Xtalin vì trước sau các ông chỉ một mực đòi chấm dứt ném bom không điều kiện, sau đó sẽ bàn các việc có liên quan. Tuy nhiên, các ông là những người có thể nói chuyện được, vì các ông có phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, không như Khơ-rút-sốp rút giày đập trên diễn đàn Liên hợp quốc hay như ở Bàn Môn Điếm, người ta cưa chân ghế đoàn Mỹ cho thấp xuống”.
Cố vấn Nhà trắng Kissinger ngay trong buổi đầu tiếp xúc đã nhận xét về Lê Đức Thọ: “Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được, trừ một hai lần. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng của ông một cách trân trọng và khéo léo. Lê Đức Thọ tiếp tôi với một sự lễ phép có khoảng cách của một con người mà ưu thế hiển nhiên đến mức không thể làm khác được bằng một sự lễ phép gần như hạ cố”.
Sau này, Kissinger lại nói: “Chúng tôi không may gặp phải một đối phương như các ông chứ nếu được lựa chọn thì chúng tôi sẽ chọn một đối phương khác”.
Kế thừa và xây dựng trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam"
PV: Thưa ông, ngoại giao Việt Nam được kế thừa và đã phát huy như thế nào từ những bài học vô giá rút ra từ quá trình đàm phán và ký Hiệp định Paris?
Đồng chí Hà Đăng: Cuộc đàm phán Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay.
Thứ nhất, đó là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, tạo ra sức mạnh tổng hợp.
Thứ hai, là bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Thứ ba, là bài học về tầm quan trọng của thực lực. Bác Hồ dạy: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của Hội nghị Paris bắt nguồn từ những thắng lợi trên chiến trường, từ sự lớn mạnh không ngừng về thế và lực của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là sức mạnh của chính nghĩa, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế; sức mạnh từ sự kết hợp tài tình giữa các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao; giữa "đánh" và "đàm", giữa chiến trường và bàn đàm phán.
Các bài học của Hội nghị Paris là hành trang quý giá để chúng ta vững bước tiến vào giai đoạn hội nhập quốc tế, đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, củng cố, nâng cao thế và lực của đất nước. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng ta về công tác đối ngoại, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, thành tích rất tốt đẹp. Từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới. Nâng tầm quan hệ ngoại giao với tất cả các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Đặc biệt, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay, Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm xây dựng và phát triển trường phái đối ngoại và ngoại giao "cây tre Việt Nam" dựa trên nền tảng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và truyền thống, bản sắc ngoại giao, văn hóa dân tộc. Ngoại giao "cây tre Việt Nam" giữ vững thế ổn định và vươn lên nhờ "gốc vững" là kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia-dân tộc; đồng thời uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược, ứng xử với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Cùng với đó, chúng ta kết hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và đối ngoại của các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chủ động, tích cực và đi vào chiều sâu. Tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế-xã hội. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến
PHẠM TUẤN - HẢI LÝ (thực hiện)