Phóng viên (PV): Nước ta có hàng nghìn lễ hội truyền thống có lịch sử lâu đời, trải khắp mọi miền Tổ quốc. Sức sống của lễ hội chứng tỏ ý nghĩa quan trọng của nó trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Cụ thể đó là gì, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền: Lễ hội truyền thống hội tụ nhiều yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống người Việt. Trước tiên nó phản ánh đức tin văn hóa liên quan đến hệ thống tín ngưỡng của người Việt. Thứ hai là thể hiện nét văn hóa truyền thống, sâu xa hơn là thể hiện bản sắc văn hóa người Việt được kế tục, trao truyền qua các thế hệ. Thứ ba, lễ hội có chức năng văn hóa, thể hiện nét đẹp nghệ thuật dân gian và giải trí. Ngoài ra, các lễ hội truyền thống còn có chức năng xã hội, là dịp để mọi người trong cộng đồng từ già trẻ, gái trai đều tham gia. Thậm chí, việc ai đó được tham gia vào tổ chức, thực hiện lễ hội còn là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình.

Nét cơ bản nhất của việc tổ chức lễ hội là để thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ các vị thánh, thần, Phật..., trong đó phản ánh được nguyện vọng rất gần gũi, thiết thực của cộng đồng qua lời cầu cúng mong muốn liên quan đến cầu mùa, sức khỏe, làm ăn kinh tế của dân làng với các vị thánh, thành hoàng. Qua các trò chơi dân gian, tục hèm, trò diễn, hát các làn điệu cổ... trong lễ hội đã cho thấy hệ thống các loại hình văn hóa nghệ thuật của dân tộc gắn với yếu tố văn-thể-mỹ của con người, bản sắc Việt Nam.

leftcenterrightdel
PGS, TS Nguyễn Thị Hiền

PV: Những năm gần đây, nhiều lễ hội được phục hồi sau thời gian dài mất đi. Theo bà, trong việc phục dựng lại các lễ hội truyền thống cần lưu ý những yếu tố gì?

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền: Nhiều lễ hội truyền thống ở nước ta có thời gian bị mất đi, có thể do chiến tranh, dân làng không có điều kiện tổ chức, sau này phục hồi, thờ cúng lại. Việc phục hồi lại lễ hội cũng rất đa dạng. Có thể các cụ già trong làng từ khi còn nhỏ được xem hội nay vẫn nhớ, kể lại và khôi phục theo đó. Có nơi nằm trong chương trình phát triển văn hóa, có phần phục hồi lễ hội, theo đó cơ quan văn hóa mời chuyên gia, nhà nghiên cứu phục hồi lại. Tuy nhiên, đôi khi có một số lễ hội khi phục hồi được người xây dựng kịch bản đưa thêm những yếu tố hiện đại vào trong đó, nhất là phần tế lễ có thể không phù hợp với mong muốn của cộng đồng.

Nhiều nơi người dân muốn khôi phục lễ hội hoặc nhiều tế lễ dân gian cổ bị thất truyền và chủ động đề xuất lên cơ quan văn hóa, mong muốn Nhà nước đầu tư khôi phục, hỗ trợ nguồn lực con người-chuyên gia và kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, cũng có hiện tượng ngược lại. Chẳng hạn khi đời sống, quan niệm của cộng đồng thay đổi, một số lễ hội gắn với đó cũng dần mất đi do không còn phù hợp. Ví dụ như nhiều nơi ở Tây Nguyên, người dân theo Công giáo và trồng cây công nghiệp, không cúng Giàng, không trồng lúa nữa nên có nhiều lễ hội truyền thống liên quan đến mùa màng, mở kho thóc, đóng kho thóc, đâm trâu... dần mất đi. Nếu chúng ta khôi phục lễ hội mà cộng đồng không có nhu cầu thì sẽ không mang tính bền vững vì thực tế lễ hội ấy không còn chức năng văn hóa, xã hội nữa. Hoặc có lễ hội đâm trâu lại thay bằng đâm lợn để đỡ tốn kém cũng là không đúng.

leftcenterrightdel
Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) thu hút đông đảo người dân tham dự

Vì vậy, việc phục hồi hay thay đổi một lễ hội truyền thống là vấn đề phức tạp, cần xem xét rất kỹ lưỡng trên nhiều yếu tố, phương diện. Theo tôi, đứng dưới góc độ người nghiên cứu, nếu thực hiện việc phục hồi lễ hội truyền thống thì trước tiên phải hỏi ý kiến cộng đồng, tìm hiểu tài liệu, nếu không có đủ tài liệu thì hỏi những người cao tuổi trong cộng đồng đó rồi tham khảo lễ hội truyền thống điển hình khác, cùng cộng đồng xây dựng kịch bản. Cuối cùng, kịch bản lễ hội đó phải được sự đồng thuận của cả cộng đồng thì mới mang tính bền vững. Nếu theo Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thì tất cả việc phục hồi hay thực hành di sản phải có ý kiến của chủ nhân cộng đồng. Việc phục hồi lễ hội do một cá nhân nhà nghiên cứu nào đó hay áp đặt theo kịch bản chung thì không thật đúng với tinh thần của công ước.

PV: Dù với lễ hội truyền thống lâu đời hay lễ hội đương đại, lễ hội mới phục hồi thì giá trị cốt lõi cần phải giữ của lễ hội là gì, thưa bà?

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền: Theo tôi, chúng ta không nói là giữ giá trị nào mà những giá trị đó có ý nghĩa với cộng đồng như thế nào. Trong lễ hội có nhiều thành tố từ chuyện thờ cúng, tế lễ, rước, văn nghệ, trò chơi… đều có giá trị về mặt tâm linh, giải trí, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với cộng đồng. Đó là những giá trị cốt lõi của lễ hội, của việc thờ cúng đã có từ ngàn xưa, bám rễ ăn sâu vào cộng đồng và bây giờ người dân thực hành nó, tổ chức lễ hội chính là đã giữ được những giá trị đó. Điều quan trọng là phát huy được những giá trị đã được cộng đồng sáng tạo, thực hành, trao truyền từ bao thế hệ cho đến hôm nay. Làm sao để thế hệ trẻ dù trong bộn bề cuộc sống vẫn hiểu được những giá trị cốt lõi của một lễ hội làng, gìn giữ, phát huy cho thế hệ hôm nay-chính họ, cho tương lai-con cháu mình, đó mới là điều quan trọng.   

PV: Có ý kiến cho rằng, những cảnh đâm trâu, chém lợn trong một số lễ hội là phản cảm, dã man, không phù hợp với xã hội hiện đại và nên thay đổi. Ý kiến của bà về việc này như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền: Những hình thức chém lợn, đâm trâu liên quan đến tục hiến sinh, thờ cúng nên từ góc độ văn hóa dân gian, nhân học thì chúng ta phải tôn trọng tập tục cộng đồng. Con lợn, con trâu đó khi dùng để dâng thánh thì nó là con vật thiêng. Chúng ta phải đứng từ góc độ nghi lễ, tín ngưỡng để đánh giá, không thể nhìn từ góc độ khoa học tự nhiên để chứng minh nghi lễ chém lợn, đâm trâu đó đúng hay sai, hiệu quả hay không được. Nó giống như giải một bài toán cần có công thức, quy trình giải, nếu không kết quả sẽ sai. Trong học thuật cũng như trên thế giới, tôn trọng tập tục cộng đồng cũng là thể hiện sự tôn trọng quyền con người và quyền văn hóa.

leftcenterrightdel
Lễ hội đua bò ở An Giang

PV: Bà đánh giá thế nào về những hiện tượng được cho là phản cảm, mê tín dị đoan như chen lấn xô đẩy, tranh cướp lộc, đốt vàng mã quá nhiều ở một số lễ hội?

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền: Quan điểm của cá nhân tôi thì cướp lộc là việc đương nhiên trong lễ hội, không hẳn là xấu. Lộc là những vật trong lễ hội mà người ta cho rằng thiêng và muốn mang về để đem lại may mắn cho mình và người thân. Trước đây lễ hội chỉ trong không gian làng nhưng bây giờ lễ hội thu hút rất đông khách thập phương, trong khi lộc có hạn mà ai cũng muốn có nên mới có tình trạng tranh cướp, cướp được mới vui. Điều này không phải chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng có, quan trọng là việc cướp phải có văn hóa để tránh gây tai nạn, hình ảnh phản cảm. Việc này cần tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức người tham gia lễ hội chứ còn cấm lại không được.

Còn việc đốt vàng mã lại gắn với tín ngưỡng, tập tục của người dân bao đời nay, chẳng hạn như quan niệm có vay, có trả hay trong tín ngưỡng thờ tam phủ, tứ phủ. Khi tôi nghiên cứu về nghi lễ, thấy mỗi nghi lễ có một quy định riêng, như một dạng giả khoa học. Số lễ nhiều hay ít tùy điều kiện người làm lễ, vào đức tin và vào người thầy lễ. Quan trọng là người làm lễ quan niệm thế nào, nếu nói họ mê muội, mê tín dị đoan thì có phần áp đặt. Người có điều kiện, ăn nên làm ra quan niệm làm ăn tốt phải tán lộc. Chúng ta nói đó là tốn kém nhưng người ta lại không thấy tốn kém, rất vui vẻ. Tất nhiên, nếu người không có điều kiện mà thầy bảo làm lễ to, không làm không được thì đó lại là vấn đề khác. Đến với tín ngưỡng, điều quan trọng là lòng thành chứ không phải của cải vật chất. Nhưng đôi khi có những thầy đến với tín ngưỡng không phải từ cái tâm mà lợi dụng người làm lễ to để hưởng lợi chẳng hạn. Hiện tượng đó chúng ta không loại trừ.

PV: Vậy theo bà, để lễ hội diễn ra văn minh, vui vẻ, ý nghĩa, chúng ta cần làm gì?

PGS, TS Nguyễn Thị Hiền: Tôi từng đi nhiều lễ hội trong và ngoài nước, có lễ hội hàng nghìn người tập trung nhưng rất nền nếp, không hề lộn xộn. Vậy nên điều quan trọng nhất để lễ hội vui vẻ, văn minh chính là ý thức của từng người tham gia.

Một lễ hội càng có đông người đến càng thể hiện sức sống của lễ hội, nghĩa là những nét đẹp, độc đáo của văn hóa truyền thống được người dân yêu thích, được lưu giữ, trao truyền. Lễ hội thu hút đám đông còn tạo nên sự giao thoa... Vì thế các nhà quản lý văn hóa, chính quyền phải có trách nhiệm cùng cộng đồng bảo vệ nó, phải làm thế nào đưa ra những phương án đáp ứng nguyện vọng người dân mới là điều đáng làm. Ví như lễ hội đông, không gian chật hẹp dẫn đến hiện tượng tranh cướp, chen lấn thì cần hỗ trợ cộng đồng tổ chức, mở rộng không gian; nếu người dân có nhu cầu đốt vàng mã thì phải có chỗ an toàn để cho họ đốt… Mặt khác, lễ hội diễn ra văn minh, thu hút đông người thì cũng giúp người dân địa phương làm kinh tế, du lịch gắn với phát triển văn hóa bền vững, bởi khi người dân được hưởng lợi sẽ càng có ý thức giữ gìn, bảo vệ lễ hội.

PV: Trân trọng cảm ơn bà và chúc bà một năm mới vạn sự như ý!

DƯƠNG THU (thực hiện)