“Địch phá, ta cứ đi”

Phóng viên (PV): Thưa ông, bộ ảnh “Địch phá, ta cứ đi” (5 ảnh) ông chọn làm hồ sơ tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật, hình như hầu hết được chụp khi ông còn khá trẻ, vào những năm đầu làm phóng viên ảnh?

NSNA Đinh Quang Thành: Năm 1960, khi chưa có trường đại học đào tạo về nhiếp ảnh, tôi được Thông tấn xã Việt Nam cử đi học gần 3 năm về ảnh báo chí. Sau đó, tôi được cử đi thường trú phụ trách địa bàn các tỉnh Hà Nam Ninh-Thái Bình (Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình-Thái Bình bây giờ). “Địch phá, ta cứ đi” là một trong những bộ ảnh về chiến tranh của tôi, thể hiện tinh thần tất cả vì tiền tuyến của quân và dân miền Bắc, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cụ thể là quân và dân nơi tôi được phân công thường trú những năm 60 của thế kỷ trước. 4 trong 5 bức ảnh đó đã nhận được rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Duy có tác phẩm chụp cầu phao bằng thuyền nan có tải trọng lớn được người dân vùng chiêm trũng Nam Hà làm để tham gia cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện trong chiến tranh chống Mỹ; vì việc bảo đảm bí mật nên nhiều năm sau mới được công bố và cũng là tác phẩm rất đặc biệt về nhiều ý nghĩa.

PV: Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, lại diễn ra ở vùng chiêm trũng “sống ngâm da, chết ngâm xương” thì để chụp được bức ảnh trên, chắc hẳn không phải việc dễ dàng, thưa ông?

NSNA Đinh Quang Thành: Địa phương tôi thường trú có đồng chí Trưởng ty Giao thông vận tải là người xông xáo. Biết tôi ham đi nên thường rủ tôi đi công tác cùng, anh em khá thân thiết. Hà Nam Ninh là địa phương có bờ biển, những năm ấy nằm ngay trên đường máy bay địch từ bên ngoài vào nước ta bắn phá, mỗi lượt hàng chục chiếc. Việc ghép những chiếc thuyền nan lại với nhau để làm thành cầu phao chỉ diễn ra bí mật vào ban đêm, phục vụ các đoàn xe vận tải vào miền Nam. Vì thế, việc chụp được ảnh cầu vào ban ngày là không thể. Tôi nói với anh Trưởng ty Giao thông vận tải nửa thật nửa thăm ý anh rằng, nếu không chụp lại được hình ảnh chiếc cầu phao đặc biệt này để lưu lại cho đời sau thì thật đáng tiếc.

Rồi tôi làm cam kết với đồng chí Trưởng ty để xin được chụp ảnh, vì trách nhiệm phải lưu lại tư liệu quý cho đất nước để thế hệ mai sau thấy và biết được những việc cha ông đã làm... Một hôm, cầu được lệnh lắp sớm hơn thông thường nửa tiếng. Trong thời khắc còn chút ánh sáng buổi chiều tối, tôi được tạo điều kiện đứng sẵn ở vị trí thuận lợi đợi những xe thiết giáp, xe chở xăng, dầu... qua cầu. Tôi giơ máy chụp được những chiếc xe đầu tiên qua cầu. Bức ảnh được tôi và đồng chí Trưởng ty giữ bí mật. Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị một lần đến địa phương làm việc, biết về bức ảnh đã rất xúc động, không ngờ trước sự sáng tạo của nhân dân. Phải hơn 10 năm sau, sau năm 1975, bức ảnh mới được công bố.

leftcenterrightdel

Cầu phao bằng thuyền nan bắc qua sông Đáy (đoạn qua địa phận Hà Nam - Ninh Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

      Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH 

Đi tới tận cùng, tận nơi để có tác phẩm đẹp

PV: Thưa ông, người chụp ảnh cần có khả năng nhìn ra vấn đề và quyết tâm để có tác phẩm, nhiều khi còn phải hy sinh giấu “đứa con” của mình đi?

NSNA Đinh Quang Thành: Với phóng viên, nhất là phóng viên ảnh, tôi nghĩ luôn cần tinh thần xông xáo, trách nhiệm, đi tới tận cùng, tận nơi mới có được tác phẩm đẹp. Khi nghe chuyện có con đường vận tải gạo và vũ khí vào miền Nam trên kênh nhà Lê, tôi đã đi hỏi nhiều nơi về con kênh nhưng không mấy người rõ. Kênh nhà Lê đã có từ mấy trăm năm trước, lâu dần bị bồi lấp, có chỗ chỉ còn như vũng nước. Nhưng trong chiến tranh, làng nào vận động làng đó ra đắp lại bờ, khơi dòng chảy. Có hai hợp tác xã chuyên chở gạo, vũ khí bằng đường kênh này ra tiền tuyến. Hỏi không được, tôi đã lần tìm từ cửa biển Ninh Bình vào, rồi đi dọc theo kênh đến gần đền thờ Vua Lê Thánh Tông ở Thanh Hóa. Sau đó, tôi đến hai hợp tác xã vận tải thuyền hỏi chuyện về thành tích của đơn vị rồi xin đi theo một chuyến vào Nghệ An. Thuyết phục mãi mới được một đơn vị đồng ý cho theo. Chuyến đi gian khổ, có ngày bị địch đánh vài lần... nhưng tôi cũng đã chụp được bức ảnh đẹp “Vượt qua bom đạn Mỹ trên kênh nhà Lê trong những năm đánh Mỹ đưa gạo và vũ khí ra tiền tuyến”.

Nhớ lúc tôi đề nghị đi cùng, các anh ấy sửng sốt, bảo sao đi được, mỗi chuyến đi nửa tháng đến một tháng, lại bom đạn... đã có nhiều người hy sinh trên đường làm nhiệm vụ. Nhưng tôi nghĩ, nếu ai cũng sợ nguy hiểm, gian khổ thì ai là người chụp ảnh lưu lại, ai biết được có kênh nhà Lê anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như vậy. Hay là, sau này khi vừa chụp giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, tôi đi ngay đến Cà Mau để chụp lại hình ảnh những tên lính Mỹ-ngụy cuối cùng bị đuổi khỏi nước ta từ căn cứ hải quân Năm Căn. Khi ấy, không ai bắt tôi phải làm điều đó nhưng tôi phải nghĩ đến điều đó.

PV: Đó là những năm tháng chiến tranh gian khó nhưng cũng là cơ hội, chất liệu để người chụp có tác phẩm giá trị. Vậy còn sau này khi đất nước thống nhất thì sao, thưa ông?     

NSNA Đinh Quang Thành: Tôi có một tấm bản đồ Việt Nam, đánh dấu những cung đường tôi đã đi qua. Sau nhiều năm, nó đã cũ mèm, chi chít những đường kẻ vẽ, có đoạn vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Tôi đã đi khắp các vùng miền, địa phương trên đất nước ta, đi đường bộ, đường biển, sang cả Lào, Campuchia... Năm nay 88 tuổi, tôi vẫn đi. Tôi vừa đi Tuyên Quang về. Hôm rồi tôi còn sang Bát Tràng xem lễ hội, chụp được ảnh kiệu bay rất ưng ý... Khi là phóng viên ảnh hay tới bây giờ, tôi luôn đi với danh nghĩa một người chụp ảnh, làm báo chứ không nghĩ mình là người nghệ sĩ đi sáng tác. Nhưng hầu hết tác phẩm được giải ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế của tôi đều là ảnh báo chí mà trong quá trình chụp tôi đã khiến nó có đủ yếu tố của ảnh nghệ thuật.

leftcenterrightdel

Tác phẩm "Đường ra tiền phương" chụp nữ thanh niên xung phong chỉ đường cho xe tải đi trong đêm.

      Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH

Nghệ thuật là sáng tạo, không cho phép lặp lại

PV: Thưa ông, cũng là đi nhưng gần đây, hình như có xu hướng tổ chức thành đoàn hàng chục người đi sáng tác xa hoặc dàn dựng cùng chụp. Như vậy cũng không khó hiểu khi kết quả là cho ra những bức ảnh na ná nhau?

NSNA Đinh Quang Thành: Gần đây, nhiếp ảnh Việt Nam, nhất là ảnh nghệ thuật ở các địa phương nổi lên nhiều tác giả, người chơi ảnh trẻ say mê sáng tác với nhiều tác phẩm rất hay. Bên cạnh đó cũng có vấn đề mà tôi chưa thích lắm, đó là vẫn nhiều ảnh dàn dựng, cắt ghép chứ không phải kết quả của sự nghiên cứu, tìm tòi những khoảnh khắc đẹp từ người chụp. Tôi từng nghe nhiều người làm giám khảo các cuộc thi ảnh nghệ thuật kể rằng, họ đã rất đau đầu khi thấy nhiều bức ảnh na ná nhau, không biết phải chọn thế nào. Nhiếp ảnh là phản ánh hiện thực khách quan trong một thời điểm nhất định. Với tôi, bản thân nghệ thuật là sự sáng tạo, không cho phép lặp lại.

PV: Ông là một trong những người sáng lập Hội NSNA Việt Nam, tham gia ban chấp hành, chủ nhiệm các hội, câu lạc bộ nhiếp ảnh; tham gia công tác giảng dạy nhiếp ảnh ở nhiều trường đại học, các đơn vị, địa phương. Với ông, đâu là yếu tố quan trọng nhất làm nên tác phẩm ảnh đẹp?

NSNA Đinh Quang Thành: Thực tế trong cuộc sống, kể cả trong các cuộc thi ảnh, chúng ta không hiếm gặp những bức ảnh chụp trái với quy luật tự nhiên. Đôi khi bởi muốn sắp đặt theo ý mình mà người chụp khiến nội dung bức ảnh trở nên lệch lạc, sai với thực tế, người ta gọi là bố trí giả tạo. Mỗi người có một cách giảng, truyền đạt khác nhau, riêng tôi, khi được mời giảng dạy về nhiếp ảnh, bao giờ tôi cũng nói đến cách tiếp xúc cuộc sống, tức là người chụp phải thấu triệt đời sống, am hiểu cái mình định chụp và muốn chụp. Điều làm nên những bức ảnh đẹp không đơn thuần là kỹ thuật mà chính là bởi kiến thức được người chụp đưa vào trong tác phẩm của mình. Bao năm nay, thứ tôi say mê không chỉ là chụp ảnh mà còn là say mê đi, say mê đọc, học hỏi bất cứ lúc nào.

leftcenterrightdel

NSNA Đinh Quang Thành. Ảnh: HOÀNG VIỆT 

PV: Thưa ông, nhiếp ảnh với đặc trưng riêng đã tham gia cùng văn học, nghệ thuật nói chung vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước như thế nào?

NSNA Đinh Quang Thành: Tôi còn nhớ những năm chiến tranh, một cảnh thường thấy trước cửa các cơ quan báo chí lớn là có đông người dân đứng đợi xem những tin tức mới. Trong đó, nhiều người đến xin những tờ báo, bức ảnh ở những số báo có hình của người thân, bạn bè. Những bức ảnh không chỉ tố cáo tội ác kẻ xâm lược, khích lệ, cổ vũ ý chí quân và dân ta, nó còn giúp nhiều gia đình nhận ra con em mình đã trở thành anh Giải phóng quân mà yên tâm nơi hậu phương lớn vì miền Nam.

Bức ảnh tôi chụp 3 em nhỏ chết bởi máy bay Mỹ ném bom ở phố Hàng Thao (Nam Định) năm 1966 đã được người Nhật Bản in 2 vạn tấm ảnh kèm chú thích. Họ cầm ra đường biểu tình ủng hộ cuộc chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của Việt Nam.

Còn rất nhiều tác động lớn lao, ý nghĩa của mỗi bức ảnh. Thời nào cũng vậy, nhiếp ảnh có thể tham gia rất nhanh, chính xác ở các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu chúng ta làm tốt, phát huy được đặc trưng, tính ưu việt của nhiếp ảnh, sẽ không chỉ phản ánh, ca ngợi được những thành tựu của đất nước mà còn góp phần giáo dục, bồi đắp, định hướng thẩm mỹ, tư tưởng cho con người một cách hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

DƯƠNG THU (thực hiện)