Phóng viên (PV): 70 năm trôi qua, sự kiện lịch sử hào hùng đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô (10-10-1954) vẫn vẹn nguyên giá trị. Đồng chí có thể cho biết, hiện nay Hà Nội đã và đang tiếp tục khơi dậy lòng tự hào, phát huy giá trị lịch sử đó ra sao?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Cách đây 70 năm, vào ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên Phong (nay là Sư đoàn 308), từ 5 cửa ô đã tiến vào tiếp quản Thủ đô. Nhân dân náo nức vẫy cờ hoa chào đón đoàn quân trở về đánh dấu ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Ngay sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố, quân và dân Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững chính trị, phát triển kinh tế, cùng nhân dân cả nước đánh thắng các cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới và cho đến ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã vận dụng sáng tạo những bài học quý báu được đúc kết lịch sử để luôn đoàn kết một lòng, tích cực đổi mới, phát huy trí tuệ xây dựng và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ngày nay, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục quán triệt việc giáo dục, phát huy giá trị lịch sử của sự kiện Ngày giải phóng Thủ đô toàn diện, sâu rộng; đưa kiến thức lịch sử Thủ đô vào trong nhà trường; tổ chức các sự kiện kỷ niệm hằng năm... Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm đoàn kết, chung sức, đồng lòng giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến. 

PV: Hà Nội là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, hiện nay thành phố đã có những chủ trương và giải pháp nào để phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có văn hóa người Tràng An để phát triển Thủ đô, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, trải qua bao thăng trầm lịch sử, là nơi hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Cũng chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn thống nhất chủ trương chú trọng kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp đó để góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, xứng đáng với những tôn vinh của “mảnh đất ngàn năm văn hiến”.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với hơn 5.900 di tích và hơn 1.790 di sản văn hóa phi vật thể và đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022), đặt mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Hà Nội đã tích hợp các nội dung về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, phương hướng phát triển văn hóa và định hướng tổ chức không gian văn hóa, mạng lưới hạ tầng, thiết chế văn hóa vào quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô; tăng cường cơ chế, chính sách để bảo tồn di sản văn hóa; có chế độ đãi ngộ với những người trực tiếp tham gia bảo tồn và thực hành các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố; tập trung bảo tồn và khai thác không gian cảnh quan di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề thủ công truyền thống, di sản văn hóa tiêu biểu; đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Thành phố cũng tích cực chăm lo xây dựng văn hóa con người, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giữ gìn văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến của người Tràng An; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, nâng cao dân trí; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử, xây dựng “thế hệ trẻ sáng tạo”. Ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể để trọng dụng nhân tài.

PV: Từ những giải pháp cụ thể nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa và con người, đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong phát triển toàn diện Thủ đô thời gian qua?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Những năm qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội từ việc phát huy các nguồn lực nội sinh. Kinh tế luôn trên đà tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu; chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh được cải thiện, hiệu quả đầu tư tăng lên. Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt, hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, hình thành nhiều khu đô thị mới... Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục luôn được thành phố quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững. Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô đạt nhiều kết quả tích cực. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được chú trọng; tích cực triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Thành phố cũng tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên... Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác song phương và đa phương với các thủ đô, thành phố, các đối tác nước ngoài, các tổ chức quốc tế.

PV: Trong lịch sử, Hà Nội đã góp phần không nhỏ vào thành công của các cuộc kháng chiến, kiến quốc. Ngày nay, Hà Nội có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Vậy nhiệm vụ củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trong bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô đã được thành phố xác định như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: Hà Nội đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố ngày càng vững chắc theo Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22-2-2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ... Kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với kinh tế-xã hội; thường xuyên xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn để xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.

leftcenterrightdel

Một góc Hà Nội hôm nay. Ảnh: TUẤN HUY 

Chú trọng công tác phối hợp với Bộ Quốc phòng trong thẩm định các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, thống nhất cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng; bảo đảm tính lưỡng dụng của các công trình, vừa bảo đảm phục vụ dân sinh, vừa đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh khi có tình huống xảy ra. Tăng cường các nguồn lực cho quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh...

PV: Trên cơ sở nền tảng đã có và những kết quả đã đạt được, đồng chí cho biết định hướng xây dựng và phát triển Hà Nội trong tương lai để xứng tầm với giá trị lịch sử và vị trí “trái tim hồng” của cả nước?

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến: 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô không ngừng nỗ lực, phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”. Thời gian tới, Hà Nội đang quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065... Đây sẽ là điểm tựa để Hà Nội tiếp tục phát huy các lợi thế vốn có về lịch sử, văn hóa, con người Thăng Long-Hà Nội nhằm phát triển toàn diện, bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp.

Trước hết, phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hà Nội sẽ sắp xếp, phân bổ các không gian phát triển kinh tế-xã hội theo các hành lang, vành đai kinh tế và các trục phát triển, gắn với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường kết nối vùng; xây dựng các công trình tạo điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa Thủ đô; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; tích cực chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng các hoạt động đối ngoại... Trong đó, Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa; phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh để Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TRẦN ANH (thực hiện)