Phóng viên (PV): Viết văn có vẻ không liên quan nhiều đến công việc hằng ngày của chị? Điều gì hấp dẫn chị đến với văn chương?

Nhà văn Tống Ngọc Hân: Năm lên mười, tôi đã đọc xong cuốn sách “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot. Hành trình đi tìm gia đình ruột thịt và tuổi thơ thăng trầm gian nan của cậu bé Rémi khiến tôi ao ước trở thành người kể chuyện. Tôi muốn kể về những số phận ở ngay làng quê nơi tôi đang sống. Kể về thầy giáo, cô giáo tôi, những người sáng đến lớp, chiều cuốc đất trồng rau, vớt bèo chăn lợn, đời sống muôn vàn khó khăn, phải mặc cả quần vá đứng trên bục giảng và viết đến lúc viên phấn chỉ còn một mẩu bé như hạt ngô mới vứt đi. Tôi muốn kể về những người bạn của tôi vì nghèo khó mà không theo học được hết cấp hai, phải bỏ ngang chừng ở nhà chăn bò, cuốc đồi trồng sắn... Giữa những đứa trẻ quê lam lũ, tôi có may mắn hơn là được học hành tới nơi tới chốn, được thuê sách về đọc và có thời gian đọc sách. Ở nông thôn vùng trung du khoảng bốn chục năm về trước, những cuốn sách dày khi đến tay tôi, nhiều khi đã mất hết bìa, thậm chí một số trang trong cuốn sách đã bị xé rách. Tôi nghĩ, thứ mà con người còn thiếu khi đó, không chỉ là cơm no, áo ấm, mà còn là sách. Cho nên, để thực hiện giấc mơ này, tôi đã tìm mọi cách để lưu lại trong trí nhớ những câu chuyện mà tôi cho là đáng được kể lại, để sau này, có cơ hội, nhất định sẽ viết ra.

Về công việc của tôi hiện tại là kinh doanh cửa hàng tạp hóa nhỏ. Thoạt nhìn nó không liên quan gì đến chuyện viết lách của tôi nhưng kỳ thực lại liên quan trực tiếp. Nó đem đến cho tôi cơ hội được giao tiếp, quen biết với đủ các tầng lớp người trong xã hội, đủ các tính cách, dung mạo và số phận. Nó làm cho các nhân vật trong văn của tôi sống động hơn, chân thật hơn và đa dạng hơn. Bởi vì, đứng trước những giao dịch tiền bạc, con người ta biểu hiện rõ ràng nhất tính cách cũng như phẩm chất, văn hóa. Mà nhân vật và tính cách của nhân vật mới là thứ lôi cuốn, dẫn dắt người ta vào mạch truyện và truyền tải thông điệp chứ chưa phải là nội dung. Không những thế, nghề bán hàng giúp tôi chủ động trong sáng tác, tôi không phải gánh chịu áp lực tiền bạc nào khi viết. Tôi có thể nhận lời, có thể từ chối những đề nghị cộng tác không thật sự phù hợp hoặc tôi không thích. Tóm lại, nghề nghiệp của tôi chính là mang tới sự tự do khi sáng tạo. Chỉ có một trở ngại duy nhất, ấy là thời gian bán hàng kéo dài và làm gián đoạn những ý tưởng sáng tạo của tôi khiến tôi phải liên tục tìm cách kết nối lại, xâu chuỗi lại cảm xúc và cảm hứng viết.

PV: Theo chị, viết văn có phải là một nghề và có thể sống được bằng nghề đó không?

Nhà văn Tống Ngọc Hân: Viết văn là một nghề rất nghiêm túc. Bởi nó đòi hỏi ở người làm nghề rất nhiều điều tưởng như khó đáp ứng. Ấy là năng khiếu văn chương, kỹ năng trình bày văn bản, kỹ năng kể chuyện, lượng kiến thức phong phú, tư duy tốt, chỉ số EQ càng cao càng dễ thành công. Ngoài ra, nghề viết văn còn đòi hỏi ở người viết tư duy nhạy bén với thời cuộc, hiện thực. Hiện thực nào thì văn chương ấy, nhà văn tuyệt đối không thể để hiện thực bỏ rơi, hoặc quá loay hoay với quá khứ, lịch sử mà không nhận ra giá trị của giai đoạn chúng ta đang sống. Không chỉ là một nghề nghiêm túc, viết văn còn là một nghề sang trọng, đầy sức quyến rũ. Rất nhiều người khi đã có trong tay công danh, sự nghiệp, tiền bạc, trong nhà có cả giá sách chất đầy những cuốn sách quý kim cổ đông tây nhưng vẫn hằng ao ước tự mình kể ra một câu chuyện hay viết ra một cuốn sách để bạn bè đọc. Có những người đầu tắt mặt tối với cơm-áo-gạo-tiền ngoài chợ hay trong xí nghiệp, công trường, nhưng hễ có thời gian là viết, viết rất say mê và gửi gắm vào đó rất nhiều hy vọng. Nghề viết tạo ra những sản phẩm mang giá trị tinh thần khác nhau phù hợp với các đối tượng khác nhau trong xã hội. Có cầu thì có cung, giống như bất kỳ một ngành nghề nào khác.

leftcenterrightdel
                                  

Nhà văn Tống Ngọc Hân giao lưu, ký tặng các học sinh tại Lớp bồi dưỡng năng khiếu sáng tác văn học năm 2024 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Ảnh: PHÚ NGỌC 

Bạn bè viết của tôi, rất nhiều người hoàn toàn “sống khỏe” bằng nghề. Nếu họ có thêm một cái nghề nữa ở bên cạnh thì chỉ là điểm tô cho cuộc sống mà phần lớn các nhà văn muốn người ta biết, nhà văn có thể làm tốt rất nhiều công việc khác chứ không riêng văn chương. Viết văn là một nghề mà nhà văn muốn thì viết, không muốn thì dừng lại. Không có hợp đồng, chỉ có đam mê theo đuổi nghề, dù gặp bất cứ khó khăn nào, chỉ cần đam mê là bạn có thể thực hiện ước mơ, kể cả khi bạn nằm trên giường bệnh, ngồi trên xe lăn, không thể tự chăm lo cho bản thân, nhưng vẫn có thể viết văn.

PV: Nếu nói viết văn là nghề gian nan thì với phụ nữ nói chung, đó là những gì?

Nhà văn Tống Ngọc Hân: Phụ nữ có quá nhiều việc phải làm trong gia đình. Kiếm tiền, chăm con, dạy dỗ con, dọn dẹp cửa nhà, đối nội đối ngoại. Nếu cộng thêm viết văn thì quả là phải “ba đầu sáu tay”. Gian nan là đúng rồi. Bởi, khi đã nhúng tay vào văn chương thì văn chương buộc con người ta làm việc bằng cảm xúc, quyết định những điều hệ trọng trong cuộc đời dưới sự giám sát của trái tim. Người viết văn không thể sống ác, không thể liều lĩnh, không thể lạnh lùng. Người viết văn thường hay nhường nhịn, chịu thiệt thòi và dễ bị oan ức... Từng ấy thứ khiến những cây bút nữ trở nên truân chuyên. Và một số phụ nữ vốn đã truân chuyên, long đong lại tìm đến văn chương để được dựa dẫm, được an ủi động viên. Thế nên, cân bằng cảm xúc giữa đời sống hiện tại và cảm xúc khi viết là rất quan trọng đối với phụ nữ khi viết văn. Nữ nhà văn, trước hết phải tránh được những bi kịch của nhân vật. Cho nhân vật lối thoát chính là cho mình lối thoát.

PV: Có phải vì thế nên nhiều người vẫn nói nhà văn nữ thành công thường lận đận, truân chuyên, thưa chị?

Nhà văn Tống Ngọc Hân: Sự thành công của một tác giả nữ do nhiều yếu tố quyết định. Ngoài những thứ được cho là khách quan như năng khiếu bẩm sinh thì còn một yếu tố chủ quan, ấy chính là vốn sống của người viết. Hẳn nhiên, người có số phận lận đận, long đong chìm nổi là người có nhiều trải nghiệm sâu sắc về hiện thực. Văn của người ấy dễ được độc giả đồng cảm và chấp nhận hơn. Với tác giả nữ, khi có nhiều độc giả, đó là thành công, dù độc giả thuộc tầng lớp nào trong xã hội.

PV: Còn với riêng chị thì sao?

Nhà văn Tống Ngọc Hân: Tôi thuận lợi ở chỗ, hình như ông trời có cho tôi chút năng khiếu làm vốn khởi đầu. Sau đó, ông trời lại cho tôi cơ hội để xuất hiện trên văn đàn một cách rạng rỡ đầy may mắn. Có những thời điểm, một năm tôi in mấy chục truyện ngắn trên các tạp chí, báo lớn. Tên của tôi dày đặc đến nỗi có người hoài nghi tôi đã dùng những mối quan hệ thân quen để xuất hiện. Nhưng có một điều mà không mấy độc giả biết. Đó chính là ông trời cũng cho tôi một cuộc sống có khá nhiều thăng trầm, biến cố, để tôi tích lũy được một nguồn vốn văn lớn. Và với nguồn vốn văn ấy, tôi không phải “ăn đong” khi viết, chỉ phải phân bổ, bố trí sao cho hợp lý mà thôi.

Khi tôi sáng tác, nếu có khó khăn thì cũng không đáng kể, bởi chủ yếu là khó khăn về thời gian. Thời gian để viết của tôi được ví như người đàn bà Mông thêu thổ cẩm, cứ nhẩn nha từng đường kim mũi chỉ, tranh thủ khi buông cuốc, buông cào, buông dao, buông liềm là thêu. Thời gian viết văn của tôi bị xé vụn ra từng phút, từng giờ, nhưng vì đã thích thì tôi sẽ bằng mọi cách để thu xếp được, chắp nối được để cảm xúc không bị đứt đoạn. Giống như dòng suối, càng có nhiều đá tảng ngăn lại, nó càng dữ dội, mạnh mẽ và người ta càng thích ngắm nó hơn.

PV: Nếu có thể gửi thông điệp tới những nữ tác giả trẻ, chị sẽ chia sẻ điều gì?

Nhà văn Tống Ngọc Hân: Tôi mong các bạn ấy sống chậm lại để tích lũy vốn liếng, nếu muốn đi thật dài trên con đường các bạn chọn. Nhưng nếu các bạn chỉ xem văn chương là một cuộc vui sang trọng, một cuộc chơi kỳ thú, thì hãy cứ chơi nhiệt tình, kể cả có chút bốc đồng cũng không sao cả.

Trong thời đại chúng ta đang sống, muốn chậm lại quả là không dễ. Và vì thế, chúng ta thường bỏ qua rất nhiều thứ hay ho nếu cứ vội vàng lướt qua. Nếu bạn chỉ dùng thông tin sẵn có để lấp đầy tác phẩm của mình thì sớm hay muộn người đọc sẽ nhận ra bạn đang vay mượn vốn văn từ “ngân hàng” mạng. Có bột mới gột nên hồ. Chút bột ấy, hãy tự mình tạo ra và tìm cách để tạo ra nhiều giá trị nhất có thể. Có thế chúng ta mới tự tin ngẩng cao đầu để bước đi trên con đường Văn.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

THU HÒA (thực hiện)