Phóng viên (PV): Năm 2009, dân ca quan họ Bắc Ninh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là người đam mê và theo đuổi nghệ thuật dân ca quan họ, chị cảm nhận thế nào về sự tinh túy của loại hình nghệ thuật này?

Nghệ sĩ Thanh Quý: Nhiều người đã biết về dân ca quan họ Bắc Ninh. Đó là một loại hình nghệ thuật của lời ca, giọng điệu, lề lối, phong tục, lối chơi, trang phục, ẩm thực, môi trường diễn xướng... Nó hòa quyện với các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, tạo nên một lối hát, lối chơi mang đậm chất trữ tình, thanh lịch, hào hoa, gắn kết và tính thẩm mỹ cao.

Theo các nhà nghiên cứu, dân ca quan họ Bắc Ninh có 213 giọng, hơn 400 bài ca. Lời một bài ca gồm phần cốt lõi là những lời thơ, ca dao và những tiếng đệm, tiếng đưa hơi. Hát quan họ có 8 hình thức: Hát đối đáp, hát hội, hát canh, hát thờ, hát cầu đảo, hát kết chạ, hát mừng, hát giải hạn; trong đó 3 hình thức hát đối đáp, hát hội và hát canh là phổ biến hơn cả. Sáng tạo mang tầm nhân loại của dân ca quan họ Bắc Ninh là cặp hát phân rõ giọng dẫn, giọng luồn mà cá tính lại rõ ràng với yêu cầu “vang, rền, nền, nảy”. Tôi nghĩ, đây là sự tinh túy của loại hình nghệ thuật này.

PV: Là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dân ca quan họ Bắc Ninh chủ yếu được tỉnh Bắc Ninh thực hành. Vậy chị đánh giá thế nào về công tác này?

Nghệ sĩ Thanh Quý: Tôi theo hát dân ca quan họ từ bé và đã hơn 20 năm gắn bó với nghề. Thế nên, những chính sách của tỉnh Bắc Ninh trong bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ tôi đều nắm khá rõ.

Đối với nhà hát của chúng tôi, các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và nhân viên phục vụ có các chế độ đãi ngộ theo quy định do HĐND tỉnh Bắc Ninh ban hành. Vào dịp lễ, tết..., chúng tôi đều xây dựng các chương trình biểu diễn và mở cửa đón khách miễn phí. Trước đó, UBND tỉnh ban hành Quy chế công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh và phê duyệt, triển khai các dự án về bảo tồn và phát huy dân ca quan họ.

leftcenterrightdel

Hát quan họ trên thuyền. Ảnh: ĐỨC THẮNG 

Thực tiễn, tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ 44 làng quan họ (gốc) xây dựng các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất liên quan. Hiện ở Bắc Ninh đã có thêm mấy trăm làng thực hành quan họ thu hút rất đông người tham gia. Nhiều làng đã xây dựng nhà để liền anh, liền chị có địa điểm dạy thế hệ kế tiếp về trang phục, làn điệu, cách hát, lề lối, cách chơi, cách ứng xử trong quan họ.

Hiện tỉnh Bắc Ninh đã phong tặng và tôn vinh 41 nghệ nhân quan họ và có các chính sách ưu đãi. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu dân ca quan họ Bắc Ninh để giảng dạy cho học sinh các cấp từ mầm non đến THPT...

Tôi cho rằng, tất cả giải pháp ấy đã nói lên sự cố gắng của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ.

PV: “Chơi quan họ” là thú chơi tao nhã. Nhưng "chơi quan họ" đang có biểu hiện phát triển tự phát, lệch tiêu chí gốc, gây ra những lo ngại. Chị đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Nghệ sĩ Thanh Quý: Theo tôi, “chơi quan họ” rất đa dạng, không chỉ về lời ca, phương thức hát đối, hình thức hát canh, hát hội mà còn về thời gian, không gian dành cho các hoạt động xung quanh, như: Phong tục kết bọn, ngủ bọn, kết nghĩa, giao lưu; có tín ngưỡng như hát thờ, hát cầu đảo, hát giải hạn; có trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ giao tiếp... Những hoạt động ấy đã làm nên sự hấp dẫn, tính độc đáo và nét đẹp văn hóa của dân ca quan họ Bắc Ninh.

Nhưng việc “chơi quan họ” ngày nay đôi khi bị ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Không gian các làng quan họ cổ dần bị thu hẹp vì dành đất xây dựng khu công nghiệp và khu đô thị. Bên cạnh đó, hiện tượng sử dụng âm nhạc phương Tây hòa trộn thông qua nhạc cụ đàn organ, piano, guitar, trống điện tử... đệm cho hát quan họ đang có xu hướng phổ biến và được giới trẻ yêu thích khiến lối “chơi quan họ” gốc bị ảnh hưởng. Nhiều người thích hát quan họ lời mới với những thủ tục đơn giản hơn. Ngay trong các làng quan họ gốc cũng xuất hiện tư tưởng chấp nhận sự tồn tại song song giữa quan họ cổ và quan họ mới.

PV: Trước vấn đề ấy, chúng ta cần làm thế nào để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh, thưa chị?

Nghệ sĩ Thanh Quý: Trong quá trình học và theo dân ca quan họ, tôi được các thầy, các nghệ nhân kể về công lao làm sống lại loại hình dân ca này của các tiền bối mà tiêu biểu là cụ Lê Hồng Dương (húy danh Nguyễn Văn Lộng).

Vào thập niên 1960, khi đất nước còn chiến tranh, cụ Dương vẫn theo đuổi ý tưởng và thành lập Đoàn dân ca quan họ. Phải mãi đến năm 1969, ý định này mới trở thành hiện thực. Cụ Dương đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để lựa chọn hạt nhân và đào tạo ra các nghệ sĩ. Cụ chỉ đạo đưa “diễn viên” đi xuống các làng, gặp gỡ nghệ nhân để học hỏi... Nhờ vậy, đến đầu những năm 70 của thế kỷ 20, lứa diễn viên đầu tiên của Đoàn dân ca quan họ đã trưởng thành, tiếng tăm lan khắp gần xa. Về công tác sưu tầm, nghiên cứu, cụ chọn và cử người xuống các làng quan họ để tiến hành điều tra, thu thập tư liệu âm nhạc, lời ca, sinh hoạt, phong tục tập quán... quan họ. Nhờ vậy mà sau này Bắc Ninh mới có những công trình nghiên cứu giàu tính khoa học. Cũng nhờ đó mà một kho tư liệu quý giá về dân ca quan họ đã được xây dựng và trao truyền cho các thế hệ sau.

Từ câu chuyện này, tôi cho rằng, muốn bảo tồn được giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh thì trước mắt cần phải có những con người tâm huyết, yêu quan họ. Rõ ràng, khi hát quan họ càng lan tỏa thì càng có nhiều người yêu quan họ hơn. Thế nên, theo tôi, cần tăng cường nguồn lực để hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến dân ca quan họ Bắc Ninh ở các làng quê, khôi phục và định kỳ tổ chức thi hát giữa các làng quan họ. Trên cơ sở các câu lạc bộ quan họ ở các làng để thành lập hiệp hội nghệ nhân quan họ Bắc Ninh, truyền dạy quan họ.

Về vấn đề chuyên môn sâu, tôi cũng mong Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đầu tư nghiên cứu, giúp cộng đồng tổ chức tự quản lý, thực hiện các chương trình truyền dạy, phục hồi kỹ thuật hát quan họ theo lối hát truyền thống, tìm các giải pháp để quan họ thích ứng với sự phát triển của các phương tiện âm thanh đương đại... Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng, tạo mọi điều kiện để cộng đồng trình diễn/giao lưu dân ca quan họ Bắc Ninh cả trong nước và ngoài nước. Phối hợp với ngành du lịch khai thác, phát huy giá trị di sản quan họ một cách bền vững.

Tôi từng đi nước ngoài biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh phục vụ nhiều đối tượng. Người Việt Nam ở nước ngoài rất cảm xúc khi nghe, xem chúng tôi biểu diễn. Nhiều khán giả các nước châu Âu cũng rất thích thú khi nghe, xem chúng tôi hát, biểu diễn quan họ. Tôi nghĩ rằng, cần bố trí kinh phí và thời gian để nghệ nhân quan họ đi trình diễn ở nước ngoài nhiều hơn. Tiếp đó, cần xây dựng các gói dịch vụ tour du lịch, đưa du khách du trong nước, khách quốc tế về các làng quan họ cổ để thưởng thức, hiểu về trang phục, ẩm thực quan họ cũng như cách “chơi quan họ”.

Hiện dân ca quan họ Bắc Ninh không chỉ là di sản của quê hương Bắc Ninh và Việt Nam mà là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo nghề, yêu nghề và say nghề nên tôi và các đồng nghiệp thế hệ hiện nay nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của một di sản của nhân loại trên quê hương Kinh Bắc.

Tôi cho rằng, chỉ có tình yêu và sự tâm huyết thực sự với quan họ mới có cách làm sáng tạo, qua đó để nét đẹp văn hóa, thú "chơi quan họ" tinh tế và tao nhã ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đó chính là mục đích cao nhất trong thực hiện cam kết với UNESCO về giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại dân ca quan họ Bắc Ninh.

PV: Trân trọng cảm ơn chị!

ĐỨC TÂM (thực hiện)