Phóng viên (PV): Xin ông cho biết tình hình đào tạo lĩnh vực âm nhạc truyền thống của học viện hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Huy Phương: Từ khi mới thành lập trường năm 1956, Khoa Âm nhạc truyền thống luôn được nhà trường chú trọng với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Những thế hệ giảng viên đầu tiên, cũng là các nghệ sĩ, nghệ nhân ngoài việc dạy truyền ngón, truyền khẩu còn có công đưa âm nhạc truyền thống thành một môn học chính quy có bài bản; chuyển từ nhạc chữ sang nốt nhạc để phù hợp với việc đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống; nghiên cứu cải tiến thang âm của một số loại nhạc cụ dân tộc phù hợp với lối diễn tấu hiện đại hơn; đồng thời, đưa bộ môn âm nhạc truyền thống vào đào tạo ở bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh...

Họ là những giảng viên, nghệ sĩ tài năng, không chỉ đào tạo mà còn tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tác và biểu diễn, góp phần đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới, sánh vai với các cường quốc năm châu.

leftcenterrightdel

PGS, TS Nguyễn Huy Phương. Ảnh do nhân vật cung cấp

Hiện nay, Khoa Âm nhạc truyền thống đào tạo các chuyên ngành: Sáo trúc, bầu, nhị, nguyệt, tỳ bà, tranh, tam thập lục, gõ dân tộc ở các cấp học: Trung cấp (6 năm, 4 năm), đại học (4 năm) và cao học (2 năm). Số lượng tuyển sinh hệ trung cấp và đại học gần đây có sự thay đổi cả về số lượng và chất lượng (năm 2021 là 53 em). Khoa Âm nhạc truyền thống cũng là một trong những khoa có số học viên theo học đông nhất học viện, hiện có 371 em.

PV: Trong giai đoạn hiện nay, việc dạy và học âm nhạc truyền thống có thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Huy Phương: Hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên trong các cơ sở đào tạo còn rất thấp, dẫn đến tình trạng giảng viên thiếu động lực cống hiến hoặc làm việc “chân trong chân ngoài”. Thời gian đào tạo một cử nhân chuyên ngành âm nhạc rất dài (từ 8 đến 13 năm đối với các chuyên ngành khác nhau), đòi hỏi sự đầu tư công phu cả về vật chất lẫn tinh thần từ người học và từ Nhà nước.

Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp ngành âm nhạc truyền thống ra trường khó kiếm việc làm liên quan đến ngành nghề được đào tạo, hoặc khi tìm được việc làm tại các đơn vị nghệ thuật, cơ sở đào tạo công lập thì cũng gặp rất nhiều khó khăn do các chế độ đãi ngộ thấp. Thực tế này dẫn đến sức hút của những chuyên ngành đó với xã hội giảm, tạo ra những khó khăn lớn trong tuyển sinh, trong bố trí việc làm cho sinh viên khi ra trường, nhất là đối với một số chuyên ngành âm nhạc truyền thống, như: Tỳ bà, nguyệt, nhị.

Trong hoạt động biểu diễn âm nhạc, sự du nhập của các dòng nhạc mới đã thu hút giới trẻ, đẩy xa họ khỏi những giá trị, tinh hoa của các loại hình biểu diễn âm nhạc truyền thống. Nhu cầu giải trí, hưởng thụ những món ăn nhanh, không đòi hỏi sự hiểu biết, tư duy sâu, tính thẩm mỹ hiện đang là xu thế trong giới trẻ bây giờ. Không có công chúng, các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.

Với đồng lương ít ỏi, nhiều nghệ sĩ, giảng viên tại các trường âm nhạc, các nhà hát trong giai đoạn này phải bỏ nghề, hoặc phải làm nhiều việc tay trái khác để duy trì tình yêu với âm nhạc. Các nhà hát, các đoàn biểu diễn âm nhạc truyền thống trên cả nước đều chịu cảnh diễn mà thiếu khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Cơ sở vật chất cho đào tạo âm nhạc đòi hỏi sự đầu tư rất lớn của Nhà nước, nên chỉ ở các trường đầu ngành như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và Học viện Âm nhạc Huế mới tạm đủ những trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác giảng dạy và biểu diễn. Ở các trường cấp tỉnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, như: Nhạc cụ đúng tiêu chuẩn, phòng học, phòng biểu diễn, đồ dùng học tập và nghe nhìn, chương trình, giáo trình... vẫn còn rất thiếu thốn.

Đặc biệt, trong hai năm gần đây, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 thì tình hình càng trở nên khó khăn hơn đối với các cơ sở đào tạo, biểu diễn âm nhạc thuộc khối công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

leftcenterrightdel

Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và phát bằng các cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2020. Ảnh: MINH HIỀN

Tuy nhiên, dù nhiều khó khăn nhưng vẫn có những tín hiệu vui mừng. Đảng và Nhà nước luôn có những chính sách đúng đắn để hỗ trợ, gìn giữ và phát triển các ngành âm nhạc, trong đó đặc biệt chú trọng đến nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Đối với các ngành khó tuyển sinh, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cũng đã có những chính sách hỗ trợ, như đối với học sinh, sinh viên các chuyên ngành âm nhạc truyền thống được hỗ trợ đến 70% học phí.

Năm 2019, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quyết định đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu thuộc một số ngành, chuyên ngành văn hóa nghệ thuật đặc thù, trong đó có các ngành nhạc cụ phương Tây, âm nhạc truyền thống khó tuyển sinh, đang thiếu nhân lực (do ngân sách Trung ương bảo đảm 100% kinh phí đào tạo) theo đúng quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019.

Ngoài ra, Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030” sau giai đoạn gần hai năm chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ và chương trình giảng dạy đã đi vào hiện thực, bước đầu thu được những kết quả tích cực. Một số học sinh, sinh viên tài năng ngành âm nhạc truyền thống của học viện đã được cấp học bổng và theo học theo hệ đào tạo này.

PV: Thưa ông, thực tế sự phát triển của đời sống xã hội và các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào và đầu ra của ngành âm nhạc truyền thống. Nhà trường đã có những biện pháp thu hút người học cũng như hỗ trợ cho học viên về đầu ra như thế nào?

PGS, TS Nguyễn Huy Phương: Về phía học viện, những em có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm chi phí ký túc xá, hoặc được nhận học bổng từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, như: Học bổng Toyota, Kumho, học bổng Nguyễn Văn Thương... Để tìm đầu ra cho các em khi ra trường, học viện ký kết với Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, hay một số đơn vị có nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực biểu diễn âm nhạc truyền thống để bố trí công việc cho sinh viên sau khi ra trường cũng như đào tạo theo đơn đặt hàng yêu cầu từ các đơn vị nghệ thuật, đào tạo âm nhạc trên cả nước.

PV: Đối với âm nhạc truyền thống, nhiều ý kiến còn tranh luận về hiệu quả của phương pháp dạy truyền thống (truyền khẩu, truyền ngón) và theo lý thuyết âm nhạc. Theo ông, đâu là cách đào tạo hiệu quả nhất cho âm nhạc truyền thống?

PGS, TS Nguyễn Huy Phương: Trong âm nhạc truyền thống, khái niệm âm non, già theo cách hiểu của hệ thống ký âm châu Âu là gần như không thể thể hiện trên bản nhạc. Những cách luyến láy trong mỗi phong cách âm nhạc dân gian thuộc các vùng, miền đều có những đặc thù riêng chỉ có thể truyền đạt lại cho người học bằng cách truyền khẩu, truyền ngón. Vì vậy, đối với đào tạo các chuyên ngành âm nhạc truyền thống thì việc học kết hợp giữa phương pháp dạy truyền ngón và phương pháp theo bản phổ nhạc của phương Tây là cần thiết.

Tại học viện, ngay từ những năm cuối hệ trung cấp, các em đã có rất nhiều cơ hội tham gia vào các chương trình biểu diễn hằng tháng trong thành phần các nhóm nhạc, dàn nhạc dân tộc của học viện. Riêng sinh viên đại học có khả năng được nhà trường giới thiệu về các nhà hát, các đoàn ca múa thực tập, chuẩn bị cho các em những kinh nghiệm biểu diễn thực tế.

Ngoài ra, Dàn nhạc Dân tộc học viện thường xuyên tham gia các chương trình biểu diễn của Bộ VH,TT&DL, các chương trình đón tiếp nguyên thủ quốc gia, đoàn khách quốc tế của Đảng và Nhà nước. Trong các chương trình đó có sự tham gia của rất nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc của Khoa Âm nhạc truyền thống học viện.

leftcenterrightdel

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và phát bằng các cấp tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2020. Ảnh: MINH HIỀN

PV: Khi văn hóa dân tộc đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức bởi quá trình hội nhập thế giới về mọi mặt thì công tác đào tạo cần đổi mới như thế nào để phù hợp với đời sống đương đại, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Huy Phương: Đứng trước thách thức mai một vốn quý cổ truyền, giới trẻ đang bị thu hút bởi văn hóa âm nhạc ngoại lai, xa rời văn hóa dân gian Việt Nam... các nhà quản lý cần có những chính sách cụ thể để phát triển đào tạo các ngành nghệ thuật dân gian. Theo tôi, chúng ta có thể cân nhắc, thực hiện một số hướng, như:

Thứ nhất, Nhà nước cần thay đổi chính sách đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ hoạt động đào tạo, biểu diễn, nghiên cứu âm nhạc. Nên tham khảo chính sách của các nước phát triển và xây dựng cơ sở pháp lý khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển văn hóa nghệ thuật. Chẳng hạn như Nhật Bản đã thu hút được nguồn đầu tư lớn từ khối doanh nghiệp và xây dựng được 573 phòng hòa nhạc lớn, nhỏ trên khắp nước Nhật, trong đó có cả Nhà hát Quốc gia.

Thứ hai, tăng chế độ đãi ngộ cho các giảng viên, nghệ sĩ biểu diễn tại các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Đặc biệt, cần chú ý đến đội ngũ giảng viên các chuyên ngành âm nhạc đặc thù, có chất lượng cao, tạo động lực cho họ tập trung vào công tác chuyên môn và cống hiến cho sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà.

Thứ ba, liên tục tiếp thu mô hình đào tạo mới, cập nhật, ứng dụng các chương trình, giáo trình đang được sử dụng tại các nước có nền âm nhạc phát triển trong đào tạo âm nhạc tại Việt Nam. Xây dựng mô hình đào tạo chuyên nghiệp theo hướng rút gọn, tập trung tăng cường phát triển các khối kiến thức, kỹ năng chính liên quan đến chuyên ngành đào tạo, đi đôi với giảm tải các môn học đại cương không cần thiết.

Thứ tư, tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo có định hướng rõ ràng cho các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực âm nhạc.

Thứ năm, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các nhạc sĩ Việt Nam tham gia sáng tác, chuyển soạn những tác phẩm cho nhạc cụ truyền thống, kết hợp những tinh hoa âm nhạc dân gian với những hình thức âm nhạc đương đại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DƯƠNG THU (thực hiện)