Người Lào có nhiều Tết, nhưng cái tết quan trọng nhất, to nhất và vui nhất vẫn là Bunpimay-Tết năm mới, hay còn gọi là Bunhotnam-Tết té nước. Được tổ chức theo Phật lịch, năm mới của Lào vào trung tuần tháng tư, từ ngày 13 đến 15. Lúc này là cuối mùa khô, những cánh rừng rụng lá, khô khốc, những con sông, con suối cũng cạn trơ đáy... Những ngày Tết, người Lào ăn mặc đẹp, dùng nước thơm được ngâm bởi các loại hoa để tắm cho Phật, nhúng cành hoa muồng vàng vào nước thơm rồi vẩy lên các nhà sư để tỏ lòng tôn kính. Người ít tuổi té nước vào người lớn tuổi để chúc sống lâu, khỏe mạnh, bạn bè té nước vào nhau để gửi lời chúc tốt lành. Nước làm con người mát mẻ, mang lại sự sống sinh sôi, đâm chồi nảy lộc, ấm no, hạnh phúc trong năm mới.

Với bản tính hiền lành, hiếu khách, bất kể quen hay lạ đều được người Lào đón tiếp chu đáo, ân cần. Tại các bản diễn ra nhiều trò vui, vùng gần sông, người dân tổ chức đua thuyền với những chiếc thuyền được trang trí sặc sỡ...

Tết Lào năm 1983, tôi cùng Tám-một chiến sĩ quân bưu-đi công tác tại thị xã Savannakhet. Ngồi nhờ trên thùng xe Gaz-66 của đoàn quá cảnh chở thạch cao, chiếc xe do Liên Xô viện trợ trong thời gian chống Mỹ, tôi thấy bạt ngàn hoa chăm pa màu đỏ hai bên Đường 9 từ Seno tới thị xã Savannakhet. Hai bên đường là những thùng, những xô nước đầy được người dân để sẵn, họ dùng để té cho người đi đường.

Tôi và Tám đến ở nhờ nhà của Đội Kỹ thuật (sau này mới biết đây là đơn vị thuộc Phòng 2 quân báo). Chợt nghe thấy tiếng lao xao, nhìn ra cổng gỗ, tôi thấy mấy thiếu nữ Lào váy áo sặc sỡ tay cầm xô, tay cầm gáo đang rộn ràng lời hát, đại ý: Xin chào năm mới, xin chào bộ đội Việt Nam...

Chúng tôi cùng các anh ở Đội Kỹ thuật đến một số nhà dân ăn Tết. Món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết Lào là món lạp (lộc-tiếng Lào) làm từ thịt lợn, gà hoặc bò trộn với thính gạo nếp, với mong muốn có nhiều lộc, may mắn. Lương thực chủ đạo là gạo nếp, người Lào đồ xôi bằng chõ, rồi cho vào từng tip để mỗi người sử dụng trong ngày.

Buổi tối, khắp nơi bập bùng tiếng trống. Và múa lăm vông có ở mọi chỗ, tiếng nhạc nhẹ nhàng mà lôi cuốn. Tôi đang đứng xem thì bất chợt có một thiếu nữ Lào tiến đến chắp tay trước ngực mời vào múa lăm vông. Lăm vông là điệu múa tập thể, đi vòng tròn, hàng nam đi phía trong, hàng nữ đi phía ngoài. Cứ 3 bước tiến thì có một bước lùi, khi lùi thì mặt hướng vào nhau. Các ngón tay của nữ giới cong lên và mềm mại như cánh hoa, còn tay nam giới thì khoát từ ngoài vào trong, không chạm vào người nữ.

leftcenterrightdel
Đoàn cựu chiến binh Sư đoàn 968 và bộ đội Lào tại Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào ở cao nguyên Bolaven (thị trấn Paksong, huyện Paksong, tỉnh Champasak, Lào).  

Trong dịp Tết Lào năm ấy, lần đầu tiên tôi được các em gái người Lào buộc chỉ cổ tay, tiếng Lào gọi là “phục khén” bằng những sợi chỉ mấy màu. Vừa buộc, em vừa nói những câu chúc tốt lành, chúc sức khỏe tới bộ đội Việt Nam. Người Lào ít khi cầu cho mình, mà chỉ cầu, chúc phúc cho người khác. Bởi theo quan niệm của người Lào, khi làm điều gì tốt lành cho người khác thì điều tốt lành cũng đến với mình. Sau “phục khén”, tôi còn được “me thầu” (mẹ già) quàng vào cổ vòng hoa chăm pa với mùi hương dịu nhẹ.

Năm 1984, vào buổi sáng 13-4, ngày đầu tiên của năm mới, tôi thấy các chiến sĩ tiểu đội truyền đạt liên tục chạy lên Phòng Tham mưu Sư đoàn để đưa những bức điện báo. Thời điểm này, quân địch vẫn đang hoạt động mạnh. Trung-Hạ Lào có các nhóm tàn quân Pol Pot, FULRO, phỉ Lào và lính ngụy luôn quấy phá. Không đêm nào chúng tôi không nghe thấy tiếng nổ của các loại vũ khí, từ AK, AR-15 đến cối 60mm, B40, B41... nhiều khi có cả tiếng mìn chát chúa.

Chỉ huy Tiểu đoàn thông tin lệnh cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Sau này, tôi được biết có trận đánh của một đơn vị thuộc Sư đoàn giải cứu đoàn công tác của Đại tá Bounnhang Vorachith, Bí thư kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet khi đoàn về Huội Mừn (Thapangthong, Savannakhet) bị địch phục kích. Sau này, đồng chí Bounnhang Vorachith được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước Lào. Trước khi nghỉ hưu, ông là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Sau hơn 4 năm chiến đấu ở Lào trở về, tôi chuyển ngành và đi học bác sĩ. Trong quá trình công tác, hằng năm, tôi vẫn được dự Tết té nước cùng sinh viên người Lào nhưng không bao giờ quên được những cái Tết ở Trung-Hạ Lào từ nhiều năm về trước.

Bài và ảnh: LÊ LỢI