Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Từng trải qua những cuộc chiến tranh lâu dài, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, hơn ai hết, dân tộc ta nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Chính vì thế, giữ môi trường hòa bình, hòa hiếu để ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện để đất nước phát triển là mục tiêu cao nhất mà chúng ta vươn tới.
Để tránh những hậu quả khủng khiếp và mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra, chúng ta phải tìm cách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. ĐNQP chính là kế sách thực hiện mục tiêu chiến lược đó. Điểm khác biệt của kế sách này là không phải dùng biện pháp quân sự, mà bằng biện pháp hòa bình để bảo vệ Tổ quốc; là việc chủ động phòng ngừa, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để giữ gìn sự bình yên ngay từ khi đất nước còn chưa nguy biến.
Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa còn là khả năng ngăn ngừa, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra xung đột, chiến tranh không chỉ ở khoảng cách địa lý mà còn cả về thời gian. Trên mặt trận này, công tác đối ngoại, trong đó có ĐNQP, ở vị trí tiên phong. Thực tiễn đã chứng minh tính hiệu quả của các chính sách “bang giao hòa hiếu”, mềm dẻo, khôn khéo, tránh “họa binh đao” cho đất nước mà ông cha ta đã sử dụng để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.
|
|
Thượng tướng Álvaro López Miera, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang Cách mạng Cuba chào mừng Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng đoàn đại biểu cán bộ chính trị cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Cuba, tháng 10-2024. Ảnh: QUANG THẮNG |
Kế thừa và phát huy truyền thống, kinh nghiệm đó, Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng hoạt động đối ngoại, trong đó có ĐNQP, xem đây là mặt công tác mũi nhọn, trọng yếu, có vai trò thiết yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chỉ rõ, ĐNQP có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; ngăn ngừa chiến tranh, xung đột; bảo vệ môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước bền vững; nâng cao tiềm lực, vị thế, vai trò của quốc gia và quốc phòng Việt Nam trên trường quốc tế.
Để triển khai những nhiệm vụ nêu trên, ĐNQP đã tổ chức các hoạt động, biện pháp hòa bình để thiết lập và phát triển quan hệ về quốc phòng với các nước, các tổ chức quốc tế trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Đây không phải là công tác đối ngoại đơn thuần của Bộ Quốc phòng, của Quân đội, mà là tổng thể các hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực quốc phòng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Chính phủ, trực tiếp, thường xuyên là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Chủ động xây dựng lòng tin, tạo thế trận từ bên ngoài
Trải qua gần 40 năm đổi mới, cùng với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, ĐNQP đã không ngừng phát triển sâu rộng cả về phạm vi và mức độ hợp tác, vừa góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao thực lực, uy tín, vị thế quốc gia và Quân đội trên trường quốc tế, vừa toát lên nét đặc sắc, độc đáo của ĐNQP thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.
Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình an ninh, chính trị thế giới và khu vực, ĐNQP đã tích cực nghiên cứu, nắm bắt, dự báo, đánh giá chính xác tình hình. Trên cơ sở đó, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, đối sách, giải pháp giải quyết các vấn đề quốc phòng, an ninh, nhất là các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả, đạt được cả mục đích trước mắt và lâu dài, không để bị động, bất ngờ về chiến lược và không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá.
Thông qua ĐNQP, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với quân đội hơn 100 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), 3 tổ chức quốc tế là LHQ, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO). Về cơ bản, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với tất cả đối tác chủ chốt của Việt Nam, gồm đối tác hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện; đối tác chiến lược toàn diện; các đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện... Đã có 32 nước đặt Phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Việt Nam và 20 nước kiêm nhiệm. Việt Nam đặt Phòng Tùy viên Quốc phòng tại 34 nước.
Những chuyến thăm cấp cao, những cuộc đối thoại quốc phòng, an ninh thường xuyên ở nhiều cấp độ với các quốc gia trong khối ASEAN, Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Ấn Độ... những thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương... đã giúp các nước thấy rõ thiện chí của Việt Nam trong việc thúc đẩy, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Cái mà chúng ta thu được là lòng tin của cộng đồng quốc tế, là thế trận từ bên ngoài, khi nhân dân thế giới, các nước bạn bè, các nước đối tác sẵn sàng đứng về phía Việt Nam khi đất nước chúng ta có nguy cơ bị xâm lược. Trong thành công chung của đối ngoại Việt Nam khi biết vận dụng khéo léo bài học “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, ĐNQP đã có vai trò, đóng góp thiết thực.
Trong thời đại hội nhập quốc tế, thực lực đất nước không chỉ ở sức mạnh kinh tế mà còn bao gồm cả vị thế, uy tín quốc tế, thể hiện qua các quan hệ song phương, đa phương và sự đóng góp của Việt Nam cho các hoạt động, tổ chức quốc tế vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hướng tới mục tiêu đó, ĐNQP đã chủ động tham gia vào sân chơi khu vực và toàn cầu, trở thành một kênh quan trọng, góp phần củng cố và phát triển quan hệ của Việt Nam với các tổ chức, khu vực trên thế giới. Các hoạt động ĐNQP đã thúc đẩy, củng cố lòng tin chiến lược, xây dựng quan hệ hữu nghị với các đối tác.
Ngày nay, chúng ta đến với các diễn đàn quốc tế không phải chỉ lắng nghe, mà với các sáng kiến, với tinh thần chủ động trong định hình, dẫn dắt những vấn đề chung của khu vực. Việt Nam đã chuyển từ tham gia thuần túy sang chủ động làm chủ “cuộc chơi”, xây dựng và thiết kế “luật chơi”; trở thành thành viên có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn. Những đề xuất, sáng kiến hợp tác của Việt Nam luôn được các nước đánh giá cao và đã chứng minh được hiệu quả khi triển khai trên thực tế. Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác quốc phòng, quân sự. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN với các nước đối tác (ADMM+), một cơ chế hợp tác đặc thù quy tụ lãnh đạo Bộ Quốc phòng không chỉ của các nước ASEAN mà còn từ nhiều nước có vai trò lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản... ra đời chính là từ sáng kiến của Việt Nam.
Đặc biệt, với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ, Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế, uy tín, hình ảnh của một quốc gia có tinh thần trách nhiệm cao đối với cộng đồng quốc tế. Đây là một trong những trụ cột của ĐNQP, là thành tựu đáng ghi nhận trong quan hệ đa phương của Quân đội nhân dân Việt Nam những năm gần đây. Từ sự kiện 2 sĩ quan đầu tiên lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan vào ngày 27-5-2014, đến nay, các hoạt động này ngày càng được mở rộng với hàng trăm cán bộ, sĩ quan tham gia hoạt động GGHB của LHQ tại châu Phi. Tháng 2-2023, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 76 quân nhân tham gia cứu hộ, cứu nạn sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ...
Sự xuất hiện ngày càng đông đảo và thường xuyên của những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam trong lực lượng GGHB LHQ không chỉ khẳng định cam kết của chúng ta trong các nỗ lực kiến tạo hòa bình và an ninh trên thế giới mà còn góp phần thể hiện vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Những chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đã giành được sự ủng hộ của nhân dân các nước nơi chúng ta đặt chân đến và lan tỏa sự ủng hộ, lòng yêu mến dân tộc Việt Nam tới nhân dân các nước khác. Đây là tài sản tinh thần quý báu góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam từ sớm, từ xa.
Từ chức năng cơ bản là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, thông qua ĐNQP, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò là đội quân đối ngoại, đội quân quốc tế, góp phần bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
TƯỜNG LINH