Còn khi nhìn thấy những đống mực to, nặng đến 3-4 cân mỗi con thì người từ đất liền ra cũng trầm trồ thích thú. Vậy mà người dân đảo nói những năm trước đây, mực cỡ 5-6 cân là thường. Một chủ vựa hải sản tâm sự: "Chỉ cần ngưng đánh bắt chừng hai năm là cá tôm lại nhiều, lại to như xưa".

Vâng, biển đang dần cạn kiệt, nhiều vùng còn nặng hơn Phú Quý. Phải dưỡng biển. Biển cho người tôm cá, cua ốc, rong tảo muôn đời rồi, chỉ mong xin lại chút đó thôi cũng là vì con người. Chút kia nữa, những con tàu, những người đi du lịch bớt xả rác, xả túi nilon xuống biển được không?

Chúng ta đã và đang làm được nhiều việc để dưỡng biển, bảo vệ biển. Song tình trạng khai thác xô bồ, tràn lan, có nơi có lúc như tận thu, tận diệt cũng như chuyện tàu, thuyền đánh bắt xâm phạm vùng biển nước bạn vẫn còn. Chúng ta cũng đã hướng theo những tiêu chuẩn mới như quy định khai thác hải sản của Ủy ban châu Âu (EC) và hy vọng tháng 10 tới, lần kiểm tra thứ tư của EC sẽ đưa ra đáp án gỡ "thẻ vàng" đối với hải sản Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Tác phẩm “Bán đảo Vũng Me” trong bộ ảnh “Phong cảnh dọc bờ biển Phú Yên” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Châu Đạo. 

 

Tuy nhiên, dù "thẻ vàng" được gỡ thì vẫn còn nhiều việc lớn, gian nan lắm phải làm để bảo vệ biển, làm giàu từ biển. Việc dưỡng biển chẳng hạn. Có phải khu vực nào cũng nuôi trồng được để giảm đi cường độ khai thác? Và du lịch biển, đảo phải phát triển đến độ nào mới thực sự là cứu cánh, tạo sinh kế gánh đỡ nghề cá?

Biển cũng như người. Ta hiểu "biển mênh mông dường nào" như thi sĩ Xuân Quỳnh, biển bao dung, nuôi dưỡng con người. Dù khó khăn bao nhiêu thì cũng nỗ lực từng bước vượt lên để tình người đáp lại tình biển, đời đời gắn bó. Đừng để nếu phải xa cách con người, "biển chỉ còn bão tố".

NGUYỄN MẠNH