Tôi được mời đến nói chuyện về văn hóa đọc cho bộ đội ở một đơn vị tại TP Hồ Chí Minh. Tham khảo ý kiến một nhà văn có nhiều tác phẩm viết về bộ đội, anh nói: “Muốn bộ đội đọc thì phải “đọc” bộ đội”!
Cách tu từ của anh giúp tôi vỡ ra nhiều điều!
“Đọc” bộ đội nghĩa là phải hiểu bộ đội. Để hiểu bộ đội trong văn hóa đọc thì người làm sách (bao gồm cả tác giả, nhà xuất bản, khâu in ấn, phát hành, quảng bá, đưa sách đến với bộ đội...) là chuỗi công việc đậm tính khoa học và nghệ thuật. Tác giả không chỉ biết đặt mình vào vị trí của bộ đội, mà phải hòa vào cuộc sống bộ đội để biết bộ đội cần đọc gì.
“Đọc” bộ đội nghĩa là phải coi bộ đội là khách hàng đặc biệt. Khi sách báo là một thứ hàng hóa thì văn hóa đọc vừa là mục tiêu, vừa là sản phẩm của thị trường đặc thù, và bộ đội là đối tượng khách hàng đặc biệt. Tiềm năng đọc, nhu cầu đọc trong bộ đội rất lớn. Việc đọc sách báo đối với bộ đội là một chế độ. Các thành tố trong nguồn cung cần coi đó là điều kiện, cơ hội thuận lợi để kích cầu. Sản phẩm nhất thiết phải đẹp, hấp dẫn. Quảng bá, giới thiệu sách cho bộ đội là nhằm kích thích nhu cầu đọc trong mỗi cán bộ, chiến sĩ, chuyển từ “phải đọc” sang thích đọc, muốn đọc, say mê đọc...
“Đọc” bộ đội nghĩa là phải đọc cùng bộ đội. Cách đọc, môi trường đọc, phương tiện đọc... phải không ngừng đổi mới. Ở nhiều đơn vị hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông minh để cải tiến hộp báo thao trường, giá sách, phòng đọc sách, tổ chức ngày hội sách, thi tìm hiểu sách... rất được bộ đội yêu thích. Trong không gian văn hóa ấy, cán bộ các cấp phải nêu gương, đọc với bộ đội, đọc cùng bộ đội...
Người làm sách “đọc” bộ đội cũng giống như huấn luyện viên “đọc” trận đấu trong bóng đá vậy. Muốn đội nhà chiến thắng, việc “đọc” trận đấu là một nghệ thuật, kỳ công và tâm huyết!
PHAN TÙNG SƠN