- “Cả nhà F0, F1, mọi việc ông xã gánh hết”.
- “Chồng cháu lành hiền vậy mà đi chợ, chăm con khéo đáo để. Các loại gia vị mua đủ hết. Cháu tặng anh ấy điểm 10”.
- “Thằng lớn nhà tôi dạo này vào vai chính quét dọn nhà, giao dịch, lăn vào bếp”.
Phụ nữ khoe chồng, khoe con chẳng phải chuyện lạ; “người chồng đảm” đã có từ lâu, song trong hai năm trời đại dịch Covid-19 đe dọa, xâm lấn mọi nhà, mọi người thì đàn ông, con trai đỡ đần, chăm lo việc nhà quả đã thành phổ biến. Nếu như xa xưa, xã hội phong tặng danh hiệu “nội tướng” cho những người vợ, người mẹ vừa là ghi nhận cái đức, vừa là cái cớ để ỷ lại, phó thác việc nhà nơi họ, những “nội tướng thế vai” đã được gần xem như chuyện thường ngày.
“Sự nghiệp giải phóng phụ nữ” thực hiện quyền bình đẳng giới từ gia đình là những chuyển biến không nhìn thấy và nhìn thấy tích tụ nhiều thế hệ, để rồi khi chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh đã thể hiện rõ ràng hơn. Từ góc nhìn khác, chính bộ máy nhà nước, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp ngày càng định vị đúng, sắp xếp công việc hợp lý và trọng dụng phụ nữ có tài, có đức thực tế đã tác động tích cực đến tế bào gia đình cùng môi trường xã hội.
Đương nhiên, để chữa trị căn bệnh cố hữu trọng nam khinh nữ vẫn còn. Hiện tượng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em gái vẫn bùng phát nơi này, nơi khác. Nhân danh hiệu quả kinh doanh, sự bất bình đẳng trong các doanh nghiệp khi trả lương, thưởng cho phụ nữ làm cùng công việc với nam giới vẫn tồn tại. Trong xã hội, có rất nhiều chị em vẫn yếu thế, tự ti... Bởi thế, để phụ nữ thực sự bứt thoát khỏi thân phận phái yếu, xứng đáng với vị thế phái đẹp đòi hỏi những nỗ lực đa chiều mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa. Trong cái chung ấy, ở mỗi mái nhà, ở mỗi bước đi, từng hoàn cảnh, tình huống, người đàn ông luôn là trụ cột gia đình, là "bờ vai" dựa dẫm, san sẻ với chị em.
NGUYỄN ANH