Mới đấy thôi mà đã hơn 3 tháng, kể từ ngày các học viên của Học viện Quân y (HVQY) tạm biệt thành phố, trở lại mái trường học tập sau những ngày giúp miền Nam phòng, chống dịch (PCD) Covid-19. Bà Thu rất nhớ hình ảnh Thượng sĩ Nguyễn Tuấn Thành, làm việc ở Trạm y tế lưu động phường 7 trước đây. Cái thằng, dù đeo khẩu trang vẫn thấy mặt hiền như con gái, đôi mắt sáng, đôi chân thoăn thoắt đi hết hẻm phố này đến hẻm phố khác để chăm sóc bệnh nhân.
Và cái giọng nói của nó cứ ngọt lịm như xoa dịu mọi nỗi mệt mỏi, đau đớn của người bệnh. Giữa tháng 9-2021, gia đình bà Thu có 6 người thì 4 người là F0. Chồng bà 60 tuổi, bị nặng nhất được đưa đến bệnh viện dã chiến điều trị. Bà, con dâu đang có bầu và con gái 25 tuổi bị nhẹ hơn thì điều trị tại nhà. Việc ăn uống, theo dõi sức khỏe, thuốc men dựa cả vào người con trai cùng đứa cháu nội mới 12 tuổi.
|
|
Học viên HVQY lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho dân tại huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: LÊ HÙNG |
Dương tính với Covid-19 đến ngày thứ hai thì bà Thu ho nhiều, sốt cao, còn con dâu có biểu hiện khó thở, ho, sốt 39oC. Thấy thế, con trai bà liền gọi điện ra trạm y tế phường nhờ hỗ trợ. Tưởng việc liên hệ sẽ rất khó khăn vì lúc này có nhiều ca nhiễm đang cần giúp đỡ, nhưng đến cuộc gọi thứ hai, ở đầu dây bên kia cất lên giọng nói: “Dạ! Chúng tôi ở Trạm y tế lưu động phường 7, quận Gò Vấp xin nghe ạ”.
Chưa đầy 10 phút sau, hai chú bộ đội mặc đồ bảo hộ màu xanh ôm theo bình oxy và túi thuốc đã có mặt tại nhà bà Thu. Họ nhanh chóng đo huyết áp, nhiệt độ thân thể và nồng độ oxy trong máu cho cả 3 người bệnh. Riêng con dâu bà được các thầy thuốc quân y cho uống thuốc hạ sốt và đưa bình oxy đến trợ thở ngay, còn bà Thu được uống thuốc hạ sốt, thuốc chống ho. Một chú bộ đội còn đấm lưng, hướng dẫn cô con dâu tập thở. Hơn 30 phút sau, bà Thu đã bớt ho, thân nhiệt giảm xuống 37,3oC, con dâu bà không còn thở dốc nữa, thân nhiệt cũng xuống 37,5oC.
|
|
Bác sĩ Học viện Quân y ôm bình oxy đi cấp cứu bệnh nhân Covid-19 ở phường 9, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: LÊ HÙNG |
Cấp thêm các loại thuốc cần thiết và hướng dẫn cách sử dụng, một chú bộ đội nói: “Con là Nguyễn Tuấn Thành, số điện thoại 09...xxx. Có gì gia đình cứ gọi, tụi con sẽ tới ngay”. Kể từ đó, cứ lúc nào cần tư vấn về sức khỏe hay bà con khu phố bị ốm đau, bà Thu lại gọi điện cho Thành.
Một buổi chiều cuối tháng 10, mưa rất to, mọi người trong gia đình bà Thu cũng đã khỏi Covid-19 thì thấy Thành khoác áo mưa đi xe máy ngang qua, nói: “Thành phố kiểm soát được dịch bệnh rồi, tụi con phải trở về học viện học tiếp cô Thu ơi”. “Thế bao giờ tụi con lại vô thành phố?”-bà Thu hỏi với ra. “Tết này hết dịch, tụi con sẽ vào đón xuân với bà con...”-chàng trai cười to. Câu nói ấy của người học viên quân y cứ vương vấn trong tâm trí gia đình bà Thu, cũng như người dân quận Gò Vấp đến tận bây giờ. “Giá mà Tết này được đón tụi nó vô ngắm hoa mai, hoa cúc, ăn bánh tét nhỉ”-bà Thu nhìn xa ao ước.
Cuối tháng 8-2021, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương chìm sâu trong dịch Covid-19. Đây là “vùng đỏ đậm đặc” với 4 phường phải thực hiện biện pháp “khóa chặt, đông cứng” là: An Phú, Bình Hòa, Bình Chuẩn và Thuận Giao, có nghĩa là người dân không được ra khỏi nhà, nhà cách ly với nhà, người cách ly với người để PCD.
Tổ quân y ở khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, gồm 3 nam, 3 nữ là những cán bộ, học viên của HVQY phải ăn nghỉ, sinh hoạt tại căn phòng của Ban quản lý chợ Bình Đáng. Biết tin thầy thuốc quân đội tới, bà con mừng lắm, nhưng sau đó ai cũng thương. Cùng một lúc, họ phải tham gia hỗ trợ chuyên môn cho khu cách ly đang điều trị gần 500 F0 tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình và chăm sóc hơn 70 F0 triệu chứng nhẹ ở khu phố.
Các cháu toàn quê ngoài Bắc, không biết chúng nó có ăn được những món ăn trong Nam không? Thế nhưng Trung úy, bác sĩ Nguyễn Chí Tâm, Trung tâm Hồi sức cấp cứu-Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, phụ trách tổ, cùng Trung úy, bác sĩ Mai Huy Thông và các học viên: Nguyễn Thị Thu Mai, Tống Thị Kim Hạnh... không quản ngại điều gì, họ luôn có mặt khi người dân cần đến lực lượng y tế.
|
|
Bác sĩ, học viên HVQY đến hỏi thăm F 0 tại quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: LÊ HÙNG |
Gặp chúng tôi những ngày cuối tháng 12-2021, anh Lê Hiếu Thảo ở khu phố Bình Đáng cứ ngậm ngùi: “Nếu không có cán bộ, học viên HVQY, chắc tôi khó qua khỏi”. Chuyện là vào giữa tháng 9, mẹ anh Thảo nhiễm Covid-19 rồi trở nặng nhanh chóng. Dù được đưa đến Bệnh viện dã chiến Hồi sức cấp cứu Bình Dương nhưng bà đã qua đời sau 10 ngày điều trị.
Vợ chồng anh cùng con gái 6 tuổi cũng phát hiện dương tính với Covid-19 tại nhà trọ khi cán bộ y tế phường Bình Đáng đến xét nghiệm truy vết. Vợ và con gái anh chỉ sốt nhẹ, còn anh bị mất vị giác, ho rất nặng. Tối hôm đó, thấy anh nửa nằm, nửa ngồi thở dốc, mắt trợn ngược lên, chị vợ vội gọi điện ra trạm y tế phường. Gọi mãi mà điện thoại cứ bận, chị phải gọi cho tổ trưởng tổ dân phố. May thay, bác tổ trưởng sau khi nghe máy đã chạy ra tổ quân y đang trú ở chợ Bình Đáng báo tin.
Đang ăn bữa tối lúc 21 giờ nhưng bác sĩ Chí Tâm cùng hai học viên đã bỏ đũa, ôm bình oxy lên đường ngay. Đến phòng trọ, học viên Kim Hạnh nhanh chóng đo nồng độ oxy trong máu cho anh Thảo. Nhìn vào máy, Hạnh nói với bác sĩ Tâm: “Dạ thưa anh, nồng độ 94%”. Lập tức bình oxy được mở ra, bệnh nhân nhanh chóng được thở oxy. Bác sĩ Chí Tâm nhỏ nhẹ: “Anh ngồi tựa vào gối nhé. Thế... hít sâu vào... thở ra từ từ... Đúng rồi. Thở thật sâu sẽ bớt mệt ngay...”.
Hơn 40 phút sau, nồng độ oxy trong máu của anh Thảo đã lên trên 97%. Anh không còn thở dốc nữa, nhiệt độ cơ thể cũng hạ xuống 37,4oC. Sự sống trở lại với người công nhân khi gương mặt của anh hết tái nhợt, miệng đã nói được câu: “Cảm ơn bác sĩ nhiều!”.
Ở phường An Phú, TP Thuận An, người dân giờ vẫn nhắc nhiều đến Tổ quân y cơ động số 8, với cô tổ trưởng nhỏ nhắn, có giọng nói xứ Nghệ thật dễ thương. Đó là Trung úy, bác sĩ Vũ Thị Trúc Quỳnh. Những ngày trong tâm dịch, Trúc Quỳnh cùng đồng đội mượn xe máy đi xuống các khu nhà trọ và nhà dân bất kể ngày đêm để theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho bà con.
Chị Lê Thị Hải Phương, công nhân Khu công nghiệp VSIP 1, ở khu nhà trọ thuộc khu phố 1B nhớ lại: "Cuối tháng 9-2021, khu trọ của tụi em có hơn 80 phòng thì 70 phòng xuất hiện F0 với tổng số hơn 100 người. Một số F0 chuyển nặng được đưa đến các bệnh viện điều trị, số còn lại nhẹ hơn thì điều trị tại chỗ. Bác sĩ Trúc Quỳnh cùng các đồng đội ngày nào cũng ân cần đến từng phòng, hỏi thăm tình trạng sức khỏe và tư vấn cho các F0, F1 phương pháp nâng cao sức đề kháng, cách sử dụng thuốc. Các anh, các chị ấy gần gũi, thân thương như người nhà nên ai cũng quý trọng. Giờ Thuận An vẫn xuất hiện các ca nhiễm mới. Giá mà còn các thầy thuốc HVQY ở đây thì tốt biết bao...”.
|
|
Bác sĩ HVQY đến chăm sóc bệnh nhân Covid-19 ở Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: LÊ HÙNG |
Mùa xuân đã đến trên từng nụ hoa, sắc phố. Đi từ quận 3 qua quận 5, sang quận 7 rồi rẽ về quận 8 và chạy tuốt về huyện Bình Chánh của TP Hồ Chí Minh, ở đâu tôi cũng nghe thấy mọi người nhắc đến HVQY với những cán bộ, học viên đã dầm mình trong tâm dịch để hỗ trợ thành phố mấy tháng trước đây.
Đồng chí Trần Chí Dũng, Phó bí thư Quận ủy quận 7, nói rằng: "Lực lượng của HVQY trở ra miền Bắc đã để lại nhiều khoảng trống cho địa phương. Ngoài việc thiếu hụt lực lượng y tế cho công tác PCD, chúng tôi thấy thiếu vắng đi tình cảm sâu nặng của Bộ đội Cụ Hồ, của những người thầy thuốc quân đội".
Tại các thành phố: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An hay thị xã Tân Uyên của tỉnh Bình Dương, người dân vẫn mong mỏi những người thầy thuốc mặc áo lính đến nhà mỗi khi gia đình có người ốm đau hay bị nhiễm Covid-19. Chẳng thế mà đồng chí Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, ước ao: "Giá như Tết Nhâm Dần được đón các bác sĩ, học viên của HVQY vô Bình Dương thì bình yên và hạnh phúc biết bao".
|
|
Đến khám, phát thuộc cho F0 phường An Phú, Thuận An. Ảnh: LÊ HÙNG |
Trong tiết trời xuân, tôi hòa mình vào niềm thương, nỗi nhớ của lãnh đạo và nhân dân các tỉnh, thành phố phía Nam dành cho lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, học viên HVQY. Giờ đây các ca nhiễm mới trên địa bàn vẫn còn nhiều người dân miền Đông Nam Bộ ước ao được những thầy thuốc quân đội đến thăm khám, điều trị. Nỗi nhớ, niềm thương ấy chắc sẽ còn rất lâu mới vơi đi, nhất là những ngày Tết đến, xuân về. Tôi tin là như vậy.
Bút ký của LÊ PHI HÙNG