Năm 2016, chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) được công nhận là di sản phi vật thể của quốc gia. Cũng từ đó, những chợ nổi trong vùng được quan tâm và thu hút khách du lịch thập phương về tham quan, tìm hiểu.
Một trong những nét đặc trưng của chợ nổi, đó là nơi giao thương buôn bán trên sông của thương hồ khắp vùng với thuyền, ghe tấp nập chở đầy cây, trái. Cảnh mua đi, bán lại tạo nên không khí nhộn nhịp trên sông. Những nông sản của người dân cũng từ đây luồn qua những kênh, rạch để đến với người tiêu dùng. Dần dần theo năm tháng, những chợ nổi trong vùng được người dân biết đến và nó gắn liền với nét văn hóa miệt vườn sông nước Cửu Long.
Mấy năm gần đây, nhiều chợ nổi trong vùng mất dần nét đặc trưng. Một vài chợ nổi vắng người buôn bán, ghe xuồng bớt tấp nập như xưa. Nhiều nhà quản lý, nhà văn hóa, người dân trong vùng và khách thập phương đã đặt câu hỏi: Phải chăng chợ nổi đang chìm dần? Chợ nổi sẽ đi đâu, về đâu khi hàng hóa đầy ắp các siêu thị, hệ thống giao thông đường bộ dày đặc, khép kín dễ dàng lưu thông...
|
|
Cuộc sống mùa nước nổi. Ảnh: TRẦN ANH THẮNG |
Làm cách nào để giữ lại chợ nổi, nét văn hóa riêng của Đồng bằng sông Cửu Long? Đây là câu hỏi lớn cần các địa phương, nhà quản lý, nhà văn hóa, người dân chung tay, góp sức giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của khu vực. Rất nhiều hội nghị, hội thảo đã được các địa phương tổ chức, phương án đưa ra là cần xã hội hóa các hoạt động trong khu chợ nhằm thu hút các ghe, thuyền, xây dựng nhà hàng nổi, vựa trái cây, khu vực ẩm thực, khu vui chơi giải trí... nhằm thu hút du khách.
Muốn giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa đó, cần rất nhiều giải pháp, trong đó cần tôn trọng và giữ gìn bản sắc riêng của chợ nổi. Hy vọng trong tương lai, chợ nổi mãi trường tồn với thời gian như nó đã gắn liền với nét văn hóa sông nước Nam Bộ.
NGUYỄN BÁ