Nghe bài hát này, nhất là vào những ngày mùa thu lịch sử, trong sâu thẳm mỗi chúng ta đều bồi hồi, xúc động. “Người Hà Nội” là khúc tráng ca bay bổng, mang tính khái quát về tinh thần chiến đấu, hy sinh của quân và dân để bảo vệ Thủ đô trong những ngày toàn quốc kháng chiến. Bài hát cũng khắc họa sinh động nét đẹp, bản sắc văn hóa của Hà Nội.
|
|
Hình ảnh đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô được tái hiện trong chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm ngày 6-10-2024. Ảnh: VIỆT TRUNG
|
Ngày nay, chúng ta hạnh phúc vì đất nước hòa bình, giàu mạnh; tự hào vì Hà Nội được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”. Điều đó thôi thúc chúng ta phải chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp. Đó cũng là cách để mỗi chúng ta tỏ lòng tri ân công lao của các bậc tiền nhân và những người đã ngã xuống vì Hà Nội và cho Hà Nội. Tuy nhiên, làm thế nào để Hà Nội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa là câu hỏi lớn với hệ thống chính trị và tất cả chúng ta.
Quả thật, còn rất nhiều việc để làm, phải làm để Hà Nội phát triển. Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại tất yếu phải dựa trên nền móng vững chắc là các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa độc đáo của Hà Nội. Bởi lẽ, không phải sự hoành tráng của các công trình mới khiến du khách nhớ về Hà Nội, mà là ở chiều sâu và tính biểu trưng của các giá trị lịch sử, văn hóa. Như thế, Thủ đô Hà Nội mới phát triển bền vững, là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại".
NGUYÊN PHÚ