“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy); “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Những câu ca dao, tục ngữ này cùng với ngàn đời Việt hiếu học đã là những “tiên đề” không bàn cãi!
Cha tôi xưa dạy trường làng. Có một học trò của người, sau làm “quan” cấp tỉnh, hễ cứ trông thấy cha tôi trên đường là tự xuống xe từ cách bốn năm mươi thước, đứng sang ven đường, đợi cha tôi đi tới thì chắp tay nói rành rẽ: "Lạy thầy!". Rồi sau vài phút hỏi thăm thầy, người học trò ấy mới dám lên xe đi tiếp. Ông “quan” này được dân tỉnh yêu quý và không hề có một tai tiếng nào. “Dạy học cũng là dạy làm người”, chắc cha tôi và những người thầy khác của ông đã làm được như thế.
|
|
Quang cảnh lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường THPT Mỹ Đức B/ Ảnh minh họa/hanoimoi.vn |
Nước Pháp có một ông giáo làng già, một hôm thấy hai quân nhân nghiêm trang tề chỉnh tới nhà. Họ nói với ông: “Thưa thầy! Phờ-răng-xoa, học trò cũ của thầy, đồng đội của chúng con, đã hy sinh vì tổ quốc. Trước khi mất, anh ấy dặn chúng con, nhất định phải tìm trao kỷ vật này đến tận tay thầy”. Ông giáo già nhận kỷ vật mà rơi lệ, vì đó chính là chiếc đồng hồ mà trước đây ông đã tặng cho Phờ-răng-xoa, một học trò nghèo, để anh có thể quản lý thời gian bận bịu của mình mà theo học. Thầy và trò đã thế, đến các đồng đội của Phờ-răng-xoa cũng biết coi thầy bạn như thầy mình, thì việc dạy và học thật đáng trọng!
Thầy dạy văn ở Trường cấp 3 Mỹ Đức xưa của tôi, thầy Nguyễn Trí, ngay cả khi tôi tốt nghiệp đại học và nhập ngũ, thầy vẫn chép những áng thơ hay rồi gửi theo hòm thư đơn vị cho tôi. Đến giờ, tình thầy trò vẫn như xưa!
Có thể lấy thêm nhiều ví dụ khác, nhưng rõ ràng, những câu ca dao, tục ngữ đã nói còn mãi vô cùng sâu sắc.
Đại tá, nhà thơ ĐỖ TRUNG LAI