Trên đây chỉ là dẫn chứng về một trong những “điểm nghẽn” của công nghiệp văn hóa (CNVH) hiện nay. Từ năm 2014, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ "đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa...". Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam. Từ đó đến nay, CNVH ở nước ta có những phát triển tích cực, đóng góp đáng kể vào GDP của cả nước, tạo ra những hệ sinh thái mới cho CNVH...

Tuy nhiên, so với mục tiêu và yêu cầu thì CNVH Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là chưa quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực thuộc CNVH và cơ chế phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực chưa đồng bộ. Nhìn chung, cơ chế và chính sách phát triển CNVH chưa theo kịp thực tiễn. Công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực CNVH chưa hiệu quả. Vấn nạn sao chép, vi phạm bản quyền chưa được xử lý thích đáng. Phương thức xã hội hóa và đối tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực chưa cao. Đặc biệt, nhận thức và kiến thức về CNVH của nhiều người “trong cuộc” còn hạn chế.

Để CNVH thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn như ở nhiều nước phát triển trên thế giới và khu vực, cần sớm khai thông những “điểm nghẽn” nêu trên. Trước mắt phải đầu tư có trọng tâm cho CNVH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao; đồng thời đẩy mạnh liên kết đa ngành, đa lĩnh vực... Việt Nam đi sau nhiều nước về CNVH, nhưng nếu biết “đón đầu” và tận dụng những thành tựu của khoa học-công nghệ thì chắc chắn CNVH của Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Bởi, Việt Nam là một quốc gia văn hóa và tiềm năng, lợi thế của CNVH là khá dồi dào.

TUYÊN HÓA