Nghĩa đen của “phông bạt” chỉ những đồ vật bằng chất liệu vải, nhựa để che nắng, mưa hoặc những đồ vật sặc sỡ để trang trí không gian cho một sự kiện (cưới hỏi...). Đó là các vật dùng tạm thời, tiếc thay một số ít người lại lấy đó làm “hình mẫu” cho lối sống của mình. Cô ca sĩ trẻ nọ mới vào nghề muốn nổi danh sớm, nhân dịp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào ủng hộ đồng bào lũ lụt, liền quyên góp nhưng khoe trên Facebook con số chuyển khoản gấp cả nhiều lần con số thực... Việc làm thiếu trung thực này vừa không tôn trọng chính cô, không tôn trọng dư luận và đồng bào đang gặp khó khăn. Về sau cô bị bóc mẽ...

Biểu hiện của lối sống này là chạy theo hình thức bên ngoài, không chịu học tập, tu dưỡng, lao động để có thành quả thực. Có bác sĩ mới vào nghề, muốn đông bệnh nhân nên quảng cáo rùm beng. Có nhà văn viết chưa “vỡ nghĩa” nhưng bằng mọi cách luồn lọt, nhờ vả viết bài giới thiệu tung hê như một văn hào để vào hội nọ, giải kia. Có chàng sinh viên vốn gốc quê lam lũ nhưng bắt chước “sành điệu” nơi thành phố cho “bằng bầu bằng bạn”. Học tập thì ít, đua ăn mặc cho “modern” thì nhiều...

Tại sao có lối sống ấy? Là do ích kỷ, muốn danh lợi đến thật nhanh, thật nhiều để hưởng thụ. Do thiếu kiến thức, rỗng tuếch bên trong nên phải tìm cách “che đậy” bên ngoài... Như một tất yếu, “gieo gió gặt bão”, sớm muộn giả dối sẽ gặp hậu quả.

Kiến tạo cho mình một hình mẫu tốt đẹp là không sai, nhưng phải thực chất và phù hợp với điều kiện, năng lực bản thân. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người mỗi cảnh”. Phải thấu hiểu vị thế, nghề nghiệp, hoàn cảnh của mình để có lối sống tương ứng. Trung thực, thẳng thắn, thật thà luôn là nền móng của ngôi nhà nhân cách tốt đẹp, bền vững.

NGUYỄN THANH TÚ