Ông Tứ xóm tôi là một thợ cày hiếm có. Vợ mất sớm, mình ông làm 4 mẫu ruộng, nuôi 3 đứa con học hành nên người. Con ông đều có hiếu với cha. Mới hôm rồi ông khoe, thằng con ở Hà Nội gửi về tặng cha bộ Com-lê bằng vải dạ cao cấp, có giá bằng nửa con trâu. Sau lần mặc đi dự đám cưới ở làng bên, ông thề không bao giờ mặc lại. “Tui mần ruộng từ nhỏ, bàn chân to bè không đi giày được. Vận Com-lê, đi dép lê, người ta nhìn tui như người từ cung trăng rớt xuống”, ông nói.

Chuyện ông thợ cày cũng là một chi tiết, góc nhìn cận cảnh của đời sống văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa coi trọng đúng mức và có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc; nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc...

leftcenterrightdel
Văn hóa truyền thống của dân tộc Mường -Thanh Hóa (Ảnh minh họa). Ảnh: KHÁNH TRÌNH

Hành trình của văn hóa là quy luật tiếp biến, chọn lọc và đào thải. Thiếu tầm nhìn, coi nhẹ công tác định hướng, quản lý theo đường lối văn hóa của Đảng ắt dẫn đến thực trạng hổ lốn văn hóa trong thời hội nhập. Chúng ta đã nói nhiều, bàn nhiều trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nhưng thực tế chuyển biến rất chậm. Tâm lý sính ngoại khiến một bộ phận người Việt tự coi nhẹ bản sắc, rũ bỏ cốt cách gia phong, còn người làm văn hóa thì bàng quan, mặc kệ.

Tiếp nhận cái mới phải trên cơ sở hài hòa với cái truyền thống, làm cho giá trị truyền thống đẹp lên. Cái của nước ngoài có thể hay, đẹp ở xứ sở của họ, nhưng đưa về nhà mình thì không phải cái gì cũng phù hợp. Người làm văn hóa phải chỉ cho người thụ hưởng văn hóa hiểu rõ, tiếp thu văn hóa cần sự hài hòa như cách người ta phối đồ cho trang phục vậy. Đã đi dép lê thì không mặc Com-lê.

PHAN TÙNG SƠN