Trước khi diễn ra Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19, con tôi hỏi như vậy. Tôi trả lời cháu, nhà mình có sẵn mấy ly nến rồi. Cháu nói, các bạn cùng lớp rủ nhau thắp nến trắng nên muốn tôi mua những cây nến mới.
Đến tiệm tạp hóa hỏi mua nến, cô chủ tiệm dúi vào tay tôi hai cây nến trắng nhỏ xinh mà rằng, cứ cầm về thắp. Cái tâm tưởng niệm là thứ nên cho đi để lan tỏa điều lành, chứ chẳng cần bán mua!
|
|
Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại Chùa Pháp Hoa (Q.3, TP.HCM) . Ảnh: Thanh Niên |
Lễ tưởng niệm được tổ chức theo chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, xuất phát từ nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Buổi lễ diễn ra ở hai điểm cầu chính là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hạn chế số lượng đại biểu, quy mô gọn nhẹ nhưng rất ấm áp, lắng đọng và có sức lan tỏa sâu rộng.
Ngẫm mới thấy, những gì chạm đến trái tim của đồng bào thì giá trị của nó không thể đong đếm bằng tiền bạc, vật chất. Việc gì xuất phát từ ý nguyện của dân thì quy mô dù đơn giản, gọn nhẹ vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ, to lớn. Trước khi mỗi gia đình tắt điện, đốt nến tưởng niệm, thì trong tâm mỗi người đã luôn thắp sẵn một ngọn nến.
Ngày 19-11-2021 (tức rằm tháng mười năm Tân Sửu) đi vào lịch sử dân tộc, đọng lại trong ký ức các thế hệ đồng bào, chiến sĩ cả nước bắt đầu từ những ngọn nến như vậy. Sau lễ tưởng niệm, thông qua truyền thông và mạng xã hội, nhiều người dân bày tỏ mong muốn có một công trình tưởng niệm. Đó là nguyện vọng thiết tha của người ở lại đối với người đã vĩnh viễn đi xa. Mong rằng, Đảng, Nhà nước ta sớm có chủ trương xây dựng công trình tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19. Khi trong tâm đồng bào đã thắp sẵn ngọn nến tri ân, việc huy động nguồn lực để thực hiện một công trình tưởng niệm không hề là việc khó.
PHAN TÙNG SƠN