Rạng sáng 8-6, khi trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Indonesia trong khuôn khổ vòng loại thứ hai FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á chưa kết thúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gọi điện khen ngợi tinh thần thi đấu của đội tuyển. Liền sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gọi điện biểu dương; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng; Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thưởng "nóng" đội tuyển 1 tỷ đồng. Mọi việc diễn ra hết sức nhanh gọn, có sức động viên, cổ vũ cao, được đồng bào và chiến sĩ cả nước hoan nghênh.
Trước đó, tháng 2-2021, tài xế taxi Nguyễn Ngọc Mạnh có hành động kịp thời đỡ cứu cháu bé rơi từ tầng 12 chung cư tại Thanh Xuân (Hà Nội), các cấp, các ngành cũng lập tức có những hình thức khen thưởng xứng đáng.
Những việc khen thưởng kịp thời nêu trên, từ cấp quận, huyện đến cấp cao nhất là Chủ tịch nước, đều là sự chủ động của cấp có thẩm quyền, không chờ cấp dưới làm hồ sơ đề nghị. Đó là cách khen thưởng có nhiều tác dụng nhất.
Trong gần 20 năm miệt mài đi tìm và viết gương “người tốt-việc tốt”, chúng tôi nhận ra rằng “người tốt-việc tốt” thật sự thường rất khiêm tốn. Họ ngại nói về mình và hiếm khi chủ động đề nghị cấp trên khen thưởng. Điều đó đặt ra một yêu cầu cho các cơ quan thi đua-khen thưởng là phải bám sát phong trào, chủ động phát hiện “người tốt-việc tốt”. Nếu chỉ thụ động ngồi chờ cấp dưới đề nghị thì rất khó để công tác khen thưởng đúng theo nguyên tắc “chính xác, kịp thời” như Luật Thi đua-Khen thưởng đề ra.
Thực tiễn đã có không ít văn nghệ sĩ nổi danh, không ít đồng chí lãnh đạo cấp cao có nhiều công lao từ chối làm hồ sơ khen thưởng vì những quy định có phần quan liêu của cơ quan thi đua-khen thưởng.
Cán bộ, công chức chuyên trách công tác thi đua-khen thưởng phải bám sát cuộc sống, bám sát trọng tâm, trọng điểm phong trào thi đua yêu nước thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Nếu không, họ sẽ là những “quan thi đua” thời nay!
TRUNG KIÊN - HẬU THANH