Cử tri đặc biệt quan tâm đến những giải pháp mà các đại biểu Quốc hội đưa ra để SGK đến được với những học trò nghèo như: Phát động chương trình tặng sách, giảm giá bán, học sinh được sử dụng SGK điện tử, phụ huynh được in SGK (bản word), có thể sử dụng nhiều năm với chi phí rẻ... Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị các cơ sở giáo dục truyền thông rộng rãi trong nhân dân để phụ huynh học sinh nắm được SGK nào là bắt buộc học sinh phải sử dụng, loại nào là sách tham khảo, không bắt buộc mua.

leftcenterrightdel
Mấy năm gần đây, dư luận xã hội dành nhiều sự quan tâm đối với sách giáo khoa. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam 

Từ thực tiễn tại Nghệ An, GS, TS Thái Văn Thành, đại biểu Quốc hội, nêu ra cách “gỡ khó để có SGK”. Đó là việc triển khai mô hình thư viện SGK tại 11 huyện miền núi khó khăn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho các nhà trường, đồng thời kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng SGK tới các thư viện, học sinh khóa trước học xong sẽ để lại SGK tặng học sinh khóa sau. “Mô hình này đã giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc các cháu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học, SGK cũng được dùng nhiều lần, tránh lãng phí”, đại biểu Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Ý kiến của GS, TS Thái Văn Thành được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình. Tuy nhiên, để SGK có thể được sử dụng nhiều lần thì vấn đề cốt lõi là SGK đó phải ổn định, không có “sạn”, hạn chế việc viết, vẽ, tô trực tiếp lên sách. Mà việc này thì từng địa phương không thể làm được, chỉ có Bộ Giáo dục và Đào tạo mới làm được.

ĐỖ PHÚ THỌ