Háo danh là một căn tính nhân sinh, theo hướng tích cực nó là khát vọng có thể thúc đẩy con người phấn đấu để không ngừng tiến bộ. Tuy nhiên xưa nay, đa phần người háo danh thái quá thường kỳ đức không xứng với y phục, tài năng không xứng với danh xưng. Khi háo danh trở thành một căn bệnh xã hội thì nó đánh tráo các giá trị chân chính, khiến công chúng-nhất là giới trẻ ngộ nhận, dẫn đến những hành vi sai lệch. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện suy thoái về đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

leftcenterrightdel
Tranh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản.  

Vì háo danh mà nảy sinh các loại danh hão. Ngoài xã hội là những “ông hoàng”, “nữ hoàng”, “siêu sao”, “siêu mẫu”, “nhà” này “nhà” nọ... Trong hệ thống chính trị thì đó là tình trạng lạm phát cán bộ lãnh đạo, thường là cấp phó; cùng đó là những “hàm” này “hàm” nọ, “chuyên viên” các cấp hữu danh vô thực... Có nhiều nguyên nhân của tình trạng nêu trên, trong đó có sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng và những kẽ hở trong chính sách, tổ chức, biên chế... Thiết nghĩ, khắc phục những nguyên nhân đó chính là “những việc cần làm ngay” để thiết thực chữa trị căn bệnh háo danh và danh hão hiện nay.
Nhân câu chuyện ồn ào về háo danh và danh hão tuần qua, một nhà văn từng nhiều năm sống ở phương Tây kể rằng năm 1993, nước Pháp có luật quy định bánh mì baguette truyền thống chỉ được làm bằng 4 thành phần: Bột mì, nước, muối và men. Ai vi phạm có thể xử phạt tới mức đi tù. Đó là sự nghiêm minh trong việc bảo vệ những giá trị truyền thống của nước Pháp, dù đó chỉ là một món ăn. Ở nước ta, với những giá trị có ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và sự phát triển hài hòa, bền vững, đặc biệt ảnh hưởng đến nhận thức và thẩm mỹ của thế hệ trẻ, cũng rất cần sự nghiêm minh như thế!

MAI NAM THẮNG