Theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị "Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ" thì “từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận”.

Quy định cũng chỉ rõ những căn cứ để cán bộ tự nguyện từ chức và cơ quan có thẩm quyền xem xét cán bộ từ chức. Đó là các lý do khách quan, chủ quan liên quan đến phẩm chất, năng lực, uy tín, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Đây là quy định nhân văn của Đảng ta, bởi nó mở đường cho những cán bộ yếu kém tự giác từ bỏ vị trí lãnh đạo; đồng thời tạo cơ hội cho cán bộ đủ đức, đủ tài đảm nhiệm các vị trí ấy.

leftcenterrightdel
Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ảnh: Hoài Như. 

Tuy nhiên, thời gian qua, trong hệ thống chính trị, một số cán bộ chủ chốt các cấp năng lực yếu kém, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật, pháp luật, nhưng cán bộ xin từ chức không nhiều. Điều này cho thấy, vấn đề từ chức cần được nhìn nhận thấu đáo, nhân văn, thực hiện nghiêm minh để nó trở thành hoạt động bình thường trong đời sống xã hội.

Pháp lý, đạo lý đều quan trọng, có quan hệ khăng khít với nhau. Pháp luật là biện pháp xây dựng chuẩn mực đạo đức và biến nó thành thói quen, hành vi tốt đẹp. Tiêu chí chuẩn mực đạo đức càng cao thì vai trò của pháp luật càng lớn. Để thực hiện tốt việc từ chức trong bộ máy công quyền, cần phải thực hiện đồng bộ cơ chế, luật pháp về kiểm soát quyền lực, thực thi công vụ, quy định về đánh giá, sử dụng cán bộ...; đồng thời quan tâm xây dựng, bồi đắp chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là triết lý về “đạo làm quan” theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cán bộ là công bộc, đày tớ của nhân dân, làm việc với tinh thần “giàu sang không thể quyến rũ”, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”.

Cán bộ dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, tự giác từ bỏ chức quyền, đó là đạo lý, văn hóa; đồng thời là sự đề cao tính liêm sỉ và giá trị công bộc.

NGUYÊN THẮNG