Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam hiện đại viết rằng, các nhà viết sử “cần học tập thái độ của Karl Marx và Friedrich Engels”. Giáo sư Hà Văn Tấn còn khẳng định: Từ khi Chủ nghĩa Mác-Lênin và lịch sử mác-xít ra đời, khám phá ra cơ chế của sự phát triển xã hội, các nhà sử học được cung cấp một mô hình giải thích lịch sử có tính nhất thể-năng động, kết hợp cả hai mặt cấu trúc và biến đổi. Sử học nhờ đó mà vươn tới phát hiện quy luật, không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Nhưng muốn thực hiện chức năng đó, một điều cơ bản là phải biết sự thật và nói lên sự thật.
|
|
Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh trong giờ học Lịch sử. Ảnh: Huyền Thảo |
Viết sử là một nghề, phương pháp viết sử gồm hai bước: Bước một là từ sử liệu, khôi phục sự kiện; bước hai là giải thích và đánh giá sự kiện. Đối với nước ta, người viết sử gặp nhiều khó khăn vì sử liệu thiếu do các thế lực ngoại xâm nhiều lần đốt phá; các nhà sử học phải vận dụng phương pháp suy đoán logic khi viết về nhiều sự kiện. Do đó, tinh thần mác-xít “khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển” phải được quán triệt rất sâu sắc đối với những người viết sử. Lịch sử là khách quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật tồn tại ngoài ý thức của mỗi chúng ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử của người viết sử lại là chủ quan. Mỗi người viết sử luôn có những động cơ, mục đích khác nhau.
Vừa qua, có nhà sử học trả lời báo chí về công trình lịch sử do ông chủ biên: “Phải viết thế nào để mọi người chấp nhận”. Đó có phải là thái độ đúng của người viết sử?
Lịch sử hiện là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Người ta bàn nhiều đến đổi mới phương pháp dạy lịch sử, nhưng người dạy lịch sử lại dựa vào các tài liệu do các nhà viết sử làm ra. Do đó, nếu không quán triệt tinh thần mác-xít vào việc viết sử thì bàn về dạy sử mới chỉ là bàn về cái ngọn của vấn đề.
NGUYỄN HỒNG