Năm nay, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2022), nhiều ban, bộ, ngành, đoàn thể và địa phương có kế hoạch, chương trình tri ân người có công. Với một dân tộc đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới; hơn 9 triệu người có công; hơn 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó còn hơn 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính; hơn 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng... thì mọi tấm lòng tri ân trong xã hội đều đáng trân trọng.

Hoạt động tri ân cần nguồn lực vật chất rất lớn cho nên mỗi chương trình, kế hoạch tri ân cần thật thiết thực, đúng địa chỉ, nhất là các chương trình, kế hoạch tri ân sử dụng ngân sách nhà nước.

Tôi từng dự cuộc gặp mặt cựu chiến binh một sư đoàn lừng lẫy chiến công nhưng nay đã giải thể. Những người anh hùng một thời nay lại tự nguyện đóng góp kinh phí từ thu nhập ít ỏi của mình để tổ chức họp mặt, để tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.

Tôi cũng thấy còn rất nhiều cựu chiến binh có đời sống khó khăn, phải vật lộn để mưu sinh hằng ngày. Họ không phải thương binh nhưng đã hiến cả tuổi xuân cho đất nước. Họ rất cần được thăm hỏi, động viên.

Và còn rất nhiều vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, chẳng hạn vấn đề để sót, lọt người có công mà nếu chúng ta không ráo riết giải quyết thì những người này sẽ trở thành người thiên cổ...

Vậy nhưng cũng có những lễ hội uống nước nhớ nguồn rất hoành tráng, với hàng loạt hoạt động nghệ thuật, thể thao, thương mại khá tốn kém. Dư luận phần đông cho rằng, tri ân không nên khoa trương, ồn ào. Tri ân cần nhất là sự thấu hiểu và thiết thực!

NGUYỄN HỒNG