“Hai con bác đều làm công nhân khu công nghiệp tận Hà Nội, rồi lấy vợ, lấy chồng làm cùng. Từ khi được lên chức ông bà, vợ bác toàn phải đi trông cháu ngoại, cháu nội, vài tháng mới về. Đi làm xa, nuôi con nhỏ, lại phải thuê nhà nên cuộc sống khó khăn, đợt này nghỉ 4 ngày mà có về quê đâu. Thời của bác, hầu như ai cũng mơ ước được làm công nhân. Còn bây giờ...”.
|
|
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, động viên con công nhân có cha, mẹ mất do Covid-19. Ảnh: Châu Loan |
Câu nói bỏ dở kèm tiếng thở dài, khiến tôi suy nghĩ mãi
Cuối thế kỷ 20 về trước, đất nước còn rất khó khăn nhưng đời sống của công nhân vẫn tương đối khá, được ưu tiên phân nhà hoặc cho mượn nhà... Gia đình nào có con cháu là công nhân thì thật hãnh diện, tự hào.
Sao bây giờ kinh tế phát triển hơn, hầu hết nhà máy, xí nghiệp đều công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà đời sống công nhân lại thấp dần so với mặt bằng xã hội-đến nỗi nhiều người mặc định buông lời: Công nhân và bộ đội thì vất vả rồi!
Tới các khu công nghiệp, chúng tôi chứng kiến rất nhiều gia đình công nhân thiếu thốn cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần, nhất là những người phải thuê nhà trọ, thuê trông con nhỏ... Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2020 cho thấy, 66% công nhân phải thuê nhà và có tới 72% công nhân không muốn con theo nghề của mình!
Đảng, Nhà nước luôn xác định, công nhân là lực lượng tiên phong của cách mạng, làm nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ:“Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân...”
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống của đa số công nhân vẫn rất khó khăn, cần phải có sự trăn trở, quyết tâm rất cao và sáng tạo, quyết liệt hành động của tất cả các cấp, các ngành!
CÁT HUY QUANG