Câu chuyện tình mùa dịch của chàng sĩ quan 31 tuổi và cô gái thành phố vừa tròn tuổi 20 được nhiều người quan tâm. Cùng với Tài và Linh, nhiều anh bộ đội ở đơn vị khác cũng trở thành con rể của các bà má Nam Bộ từ nhiệm vụ giúp dân chống dịch. Giữa bao thử thách, khốn khó do dịch bệnh, những chuyện tình lãng mạn, đầy chất thơ ấy đã ngân lên giai điệu lạc quan, hy vọng, tình nghĩa... của mối quan hệ quân-dân!

leftcenterrightdel
Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên phát khẩu trang miễn phí và hướng dẫn cách thức sử dụng đúng cách cho đồng bào đi nương tại khu vực biên tiếp giáp Lào và Trung Quốc. Ảnh: TTXVN.  

Các chàng rể trong những câu chuyện tình này đều xuất thân từ làng quê, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Còn các nàng dâu thì đều là những cô gái tài sắc ở thành phố, từng có nhiều người theo đuổi. Những câu chuyện tình ấy là minh chứng cho thấy, tình yêu đích thực được xây dựng từ sự đồng điệu của những con người có chung nhiệt huyết cống hiến cho xã hội. Nó góp phần xóa đi quan niệm trong một bộ phận xã hội, rằng tình yêu thời hiện đại phải được xây dựng trên cơ sở vật chất, tiền bạc; rằng tình yêu thời công nghệ không còn màu sắc lãng mạn như xưa...

Thời nào cũng vậy, vật chất vô cùng quan trọng, nhưng nó không là yếu tố quyết định của tình yêu. Công nghệ hiện đại không làm giảm tính lãng mạn mà ngược lại, trong nhiều trường hợp, nó còn làm cho sự lãng mạn ấy bay bổng hơn. Các đám cưới trực tuyến từng “đốn tim” công chúng giữa đại dịch Covid-19 là một ví dụ.

Công nghệ, vật chất mãi mãi chỉ là phương tiện. Muôn đời nay và muôn đời sau, yếu tố quyết định của tình yêu vẫn là câu chuyện của trái tim!

Mà trái tim thì có ngôn ngữ riêng của nó! Tạo cho nó môi trường giao lưu và cống hiến, tự nó sẽ lên tiếng!

PHAN TÙNG SƠN