|
|
Bộ đội Hải quân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng toàn dân |
Thủ đô Hà Nội đất chật, hầm chữ A, hầm gạch, xi măng tập thể có thể làm ở sân nhà, góc vườn hay công viên, đất trống còn lại chỉ là vỉa hè đường phố. Những chiếc hố (hầm) cá nhân lúc đầu đào vào lòng đất nên dễ sụt lún, nhất là sau khi trời mưa ngập nước. Sau đó được gia cố bằng những khung bê tông đúc sẵn, bên trên cũng có nắp hầm bằng bê tông tránh mảnh bom đạn. Hệ thống hố cá nhân này đã phát huy tác dụng cao. Cứ có tiếng còi ủ báo động và lệnh từ loa truyền thanh là người trong nhà, người đi đường ai cũng có thể xuống trú ẩn. Cùng với nếp sống thời chiến, kỷ luật và công cuộc sơ tán chủ động, quy mô, toàn diện, mọi người dân từ già, trẻ, trai, gái Hà Nội và các địa phương miền Bắc đã góp phần tích cực vào chiến thắng trong cả hai giai đoạn chiến tranh phá hoại.
Dấu tích thời chiến ấy nay vẫn còn trong lòng đất vỉa hè Hà Nội. Có điều những công nhân lát gạch đá vỉa hè sinh sau chiến tranh nếu không biết sẽ không có cách làm chắc chắn. Bởi những hầm hố cá nhân ấy lấp đất lên sẽ lún, làm xô lệch nền vỉa hè khiến gạch xi măng hay đá dễ bị xô lệch, dễ vỡ.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, ngày nay bước trên vỉa hè Hà Nội là bước trên những chiến tích một thời hào hùng và làm sao để thế hệ trẻ không quên điều đó vẫn đang là điều trăn trở của toàn xã hội.
Có lẽ, một trong những việc làm thiết thực là nhắc lại sự kiện đó một cách sinh động trên báo chí, truyền thông.
NGUYỄN MẠNH