Tương tự, những vùng núi bị sạt lở nghiêm trọng mà nguyên nhân chính là do rừng bị triệt phá cũng khiến con người phải đối mặt với những hiểm họa không thể né tránh. Tự nhiên đã và đang đáp trả cho những hành động khai thác, phá hủy môi trường...
|
|
Vui xuân miền sơn cước. Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG |
Tuy nhiên, bên cạnh sự “lùi” bị động đó, chúng ta cần nhận ra một cách “lùi” khác-một sự lùi lại chủ động, dựa trên sự suy ngẫm và tôn trọng tự nhiên. Lùi lại trước tự nhiên trong ý nghĩa này không phải là một sự thất bại hay thua cuộc, mà là hành động cần thiết để cân bằng hệ sinh thái, ngừng khai thác quá mức và học cách sống hòa hợp với tự nhiên thay vì hủy hoại nó.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng sự lùi lại chủ động như vậy mang lại hiệu quả tích cực. Đan Mạch thực hiện chiến lược tái tạo rừng quốc gia và bảo vệ vùng ven biển. Hà Lan xây dựng các hệ thống đê điều thông minh và triển khai dự án mở rộng lòng sông để giảm nguy cơ lũ lụt, thay vì cố gắng kiểm soát dòng chảy một cách cưỡng ép. Ở Việt Nam, việc trồng rừng ngập mặn làm lá chắn sóng, gió và giữ đất đem lại những tín hiệu khả quan, không chỉ bảo vệ con người mà còn tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển.
Trước khi triển khai các giải pháp, điều quan trọng nhất là dừng ngay những hành vi khai thác vô độ, làm tổn hại đến tự nhiên. Cần nhận thức rõ rằng mọi tác động tiêu cực đối với môi trường đều sẽ quay trở lại với chính con người. Sự “khiêm nhường” trước tự nhiên chính là chìa khóa để thoát khỏi chuỗi luẩn quẩn giữa khai thác và hủy diệt. Lùi lại không phải là từ bỏ, mà là để bảo vệ những giá trị bền vững hơn cho tương lai trước khi quá muộn. Nếu không, tự nhiên có thể sẽ đẩy chúng ta đến nơi cuối cùng, không còn đường lui.
HOÀNG HUY