Chuyện thứ nhất: Một sáng trên đường tôi chợt nghe tiếng một bé gái cất lên: “Mẹ ơi! Sắp đèn đỏ rồi!”. Người mẹ đèo con trên xe máy từ từ dừng lại trước vạch. Tôi và mấy người cùng mỉm cười nhìn mẹ con cháu. Cháu bé chừng bảy, tám tuổi. Ở trường chắc cháu cũng đã được học về luật giao thông.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên trên đường tuần tra. Ảnh: TUẤN HUY |
Chuyện thứ hai: Lần này là thằng cháu cưng của họ nhà tôi. Cháu lái ô tô đưa bố và tôi đi công việc thì bố bắt dừng lại. Bố cháu nghiêm giọng: Con cho bố xuống. Bố không ngồi trên xe khi người lái vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại. Thằng cháu tôi từng du học, đi làm ở châu Âu, châu Mỹ còn lạ gì phép tắc giao thông. Cháu xin lỗi bố và tôi rồi phân trần: Con thấy ở nhà mình có người dùng điện thoại như thế nên trót theo.
Chuyện thứ ba: Hàng loạt bánh xe máy, ô tô dừng tăm tắp trước vạch đèn đỏ những ngày qua làm dấy lên sự ngạc nhiên và cả thích thú trong dư luận. Việc phạt nặng bội phần đối với các lỗi vi phạm lập tức phát huy tác dụng. Đến những dòng xe xuống đường mừng chiến thắng bóng đá cũng vào trật tự...
Thế đấy, dù dạy dỗ, giáo dục từ tấm bé, dù phần đông người đã nghiêm chỉnh chấp hành, song chỉ khi có giải pháp thực thi luật đủ hiệu lực thì tình trạng tham gia giao thông mới có chuyển biến. Kinh nghiệm thực tế cho hay rằng nếu nơi này nơi kia, lúc nào đó lơi lỏng là tình trạng nhờn luật lại xảy ra. Và cũng qua thực tế kiên trì, nghiêm cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý, tập quán đốt pháo đã và đang được giảm hẳn, thói quen đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy được xác lập. Việc xây dựng văn hóa giao thông cũng sẽ như vậy.
NGUYỄN MẠNH