Đọc thư của cháu, tôi rất xúc động! Bao kỷ niệm thuở binh nhì ùa về! Thế hệ Bộ đội Cụ Hồ chúng tôi ngày ấy, phương tiện liên lạc phổ biến là thư. Những lá thư không chỉ là cầu nối gửi trao tình cảm mà còn gói ghém vào đó cả thế giới tâm hồn của người chiến sĩ. Vì thế, viết thư đối với bộ đội là nét đẹp văn hóa, đọng lại những kỷ niệm sâu sắc. Chuyện cả tiểu đội chuyền tay nhau đọc một bức thư tình hoặc nhờ “quân sư” văn hay chữ tốt viết giúp lá thư ngỏ lời bạn gái... vốn là “đặc sản” của tuổi binh nhì.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 434 (Quân đoàn 4) trao đổi, học tập tiếng Anh vào giờ nghỉ. Ảnh: qdnd.vn

Thời nay, không gian mạng đã thay thế và làm biến mất nhiều phương thức thông tin truyền thống. Những lá thư đã vắng bóng trong đời sống gia đình, xã hội. Nhưng, viết thư vẫn là nét đẹp trong sinh hoạt và đời sống tinh thần của bộ đội. Để khuyến khích chiến sĩ viết thư, nhiều đơn vị đã tổ chức các hình thức tương tác sinh động như: Thi viết thư, tìm hiểu thư tình và nhật ký bộ đội thời chiến tranh, hướng dẫn chiến sĩ luyện viết chữ đẹp...

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Quân đội ta, nhiều đơn vị đã động viên chiến sĩ viết thư gửi người thân. Những lá thư chiến sĩ vừa là hình thức gửi gắm, trao truyền tình cảm, niềm tin, vừa là dấu ấn lưu lại những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội.

Những lá thư, dòng nhật ký từ chiến trường của thế hệ cha anh được lưu giữ, trở thành di sản vô giá cho chúng ta hôm nay. Rồi, những bức thư chiến sĩ hôm nay cũng sẽ kế tục giá trị ấy đối với thế hệ con cháu mai sau...

Ngẫm như thế để thêm yêu, thêm trân quý thư chiến sĩ!

PHAN TÙNG SƠN