leftcenterrightdel
  Các nghệ sĩ Quân đội biểu diễn liên khúc "Tổ quốc bốn mùa hoa" và "Hát mãi khúc quân hành" trong Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm "Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (1972-2022). Ảnh: MINH THÀNH

Mới đây mà đã tròn 60 năm Ngày đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân trên miền Bắc Việt Nam, ngày 5-8-1964. Với quyết tâm sắt đá và thế trận vững vàng, quân dân ta đã biến ngày đó thành Ngày đánh thắng trận đầu, mở ra một giai đoạn cả nước là chiến trường, những lớp người trẻ nối tiếp nhau lên đường chiến đấu. Với những người đang đeo khăn quàng đỏ chúng tôi thì đã sớm bước vào cuộc sống thời chiến, vừa học, vừa đào hầm, vừa giúp dân làm thủy lợi, gặt lúa, tham gia cứu người, cứu nhau trong những trận bom. Đặc biệt những đợt lao động hè tập trung đắp đê, hàn khẩu đê vỡ, khắc phục hậu quả lũ lụt và những ngày tháng luyện tập quân sự... đã giúp chúng tôi lớn lên trong chiến tranh và không quá bỡ ngỡ khi vượt Trường Sơn hay đối đầu với B-52 giặc Mỹ...

Dù các hoạt động tập thể, tự nguyện, tình nguyện mỗi thời mỗi khác song tất cả đều có giá trị giúp tuổi trẻ thấm dần ý nghĩa của cuộc sống cộng đồng và đất nước.  

Chúng tôi đã được sống một thời hào hùng đỏ lửa mà đến những cuộc chia ly cũng mang sắc đỏ. Vào năm 1964 ấy, bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của nhà thơ Nguyễn Mỹ đã ra đời để các thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau khắc sâu trong tâm tưởng. Và chính nhà thơ cũng đã hy sinh giữa chiến trường vào năm 1971.

Nhịp sống xanh hôm nay tiếp bước nhịp sống đỏ năm xưa, tất yếu và tự nhiên bởi các thế hệ đều có trái tim hồng.

NGUYỄN MẠNH