Nỗi lo “vỡ trận” tuyển sinh đầu cấp ở TP Hồ Chí Minh xuất phát từ thực trạng đầu vào học sinh các khối tăng mạnh (khoảng 10.000-15.000 học sinh ở mỗi khối, mỗi năm). Chỉ tính riêng khối 6, số học sinh tăng thêm của năm học 2023-2024 vào khoảng 42.000 em so với năm học trước, khiến các trường quá tải. Trong bối cảnh cơ sở vật chất, trường lớp tăng rất chậm, thậm chí có nhiều khu vực không tăng, nếu không có giải pháp căn cơ, đột phá, ít năm nữa, việc tuyển sinh đầu cấp khó tránh khỏi tình trạng "vỡ trận". Nếu để “vỡ trận”, tình hình sẽ xấu đi nhiều, ảnh hưởng toàn diện đến chất lượng giáo dục và tương lai phát triển của học sinh.

leftcenterrightdel
 Học sinh TP Hồ Chí Minh tham gia hoạt động vui chơi trong sân trường. Ảnh: Vietnam+ 

 

 Để tránh nguy cơ “vỡ trận” thì phải giải quyết ngay bài toán cung-cầu. Dân số cơ học tăng, sĩ số học sinh các cấp tăng, đòi hỏi trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên... cũng phải tăng theo.

Từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh cần thêm gần 9.000 phòng học mới đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Để giải quyết khối lượng công việc khổng lồ này cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sát cánh cùng ngành giáo dục thành phố.

Từ ngày 1-8-2023, các chính sách, cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội có hiệu lực. Đây là nguồn lực tạo đòn bẩy để triển khai các dự án hạ tầng, trong đó có hạ tầng giáo dục. Ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh và chính quyền các địa phương phải tận dụng cơ hội, bắt tay ngay vào công tác chỉ đạo, tiến hành rà soát, quy hoạch, bảo đảm quỹ đất xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp. Trước mắt, ưu tiên các dự án trọng điểm ở những khu vực trọng điểm có nguy cơ “vỡ trận” cục bộ...

PHAN TÙNG SƠN