Vấn đề này không mới! Giới chuyên môn và công luận đã bàn rất nhiều. Ngày 1-1-2023, Luật Điện ảnh sẽ có hiệu lực. Để xây dựng thông tư nhằm sớm đưa luật vào cuộc sống, vấn đề này lại tiếp tục được bàn bạc, mổ xẻ.

Không mới, nhưng rất khó!

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc. Ảnh: Thủy Tiên

 Để quy định chi tiết, cụ thể về những cảnh diễn, cảnh quay như thế nào để nó không bị trượt từ nghệ thuật sang phản cảm, từ văn hóa sang phi văn hóa... là vô cùng khó. Thậm chí, càng quy định chi tiết bao nhiêu thì sự áp dụng lại khó khăn và bất khả thi bấy nhiêu. Nhưng đã là luật thì không thể nói theo cảm tính. Nó phải được định lượng để thúc đẩy cái đẹp, ngăn chặn cái xấu, là căn cứ xử lý những hành vi vi phạm... Chẳng hạn, khi đưa cảnh “nóng” thì “nóng” bao nhiêu là vừa, là đẹp?

Mà chẳng riêng điện ảnh, các hình thức, loại hình nghệ thuật biểu diễn cũng vậy. Từ những điều, khoản trong luật, thông tư, hướng dẫn, cho đến việc dán nhãn độ tuổi, đánh giá của các hội đồng thẩm định... dù có cố gắng đến mấy cũng không thể cân đong đo đếm đến từng người, từng phân đoạn trên sân khấu hay màn ảnh xem “nóng” đến đâu là vừa? Cảm thụ, đánh giá về văn hóa nghệ thuật, phải đồng thời tuân thủ luật pháp và đề cao đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp.

Muốn vậy, phải vừa hoàn thiện hành lang pháp lý, vừa coi trọng giáo dục lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức cho văn nghệ sĩ. Được giác ngộ, thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa nghệ thuật của Đảng, bản sắc văn hóa dân tộc, mỗi nghệ sĩ sẽ có ý thức thực thi pháp luật một cách tự giác, văn minh.

THANH KIM TÙNG