Đó là tình trạng đáng báo động hiện nay ở các khu công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Theo bà Lê Thị Nương, Phó giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Việt (TP Hồ Chí Minh), sau thời gian dài không hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều thiết bị máy móc đã xuống cấp, nguyên vật liệu bị đứt gãy chuỗi cung ứng... Thế nhưng, cái lo lớn nhất hiện giờ của doanh nghiệp là thiếu người lao động.  

Nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng đang đứng ngồi không yên vì phải đối mặt với tình trạng thừa việc, thiếu người làm. Người lao động được đào tạo và có tay nghề cao trong các doanh nghiệp không có việc làm do dịch đã về quê.  

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa/qdnd.vn 

 

Kết quả khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động ở nhiều địa phương rất cao, như: Bình Dương thiếu 36,9%, Bình Phước thiếu 34,4%, TP Hồ Chí Minh thiếu 31,8%...

Tình trạng thừa việc, thiếu lao động làm nóng diễn đàn Quốc hội cuối tuần qua khi các đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế-xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng, Quốc hội cần phải xem xét tổng thể chương trình phục hồi kinh tế-xã hội trong và sau đại dịch. Chương trình này cần phải kèm theo sự điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách với việc giải bài toán nguồn lực...

Đặc biệt, trong chương trình này cần phải có giải pháp cấp bách về cung ứng nguồn nhân lực, bởi đây là “máy trợ thở” cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 lúc này. Vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh.

Trong đó, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine+5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhất là người dân đã được đào tạo trở lại làm việc ở các khu công nghiệp.

ĐỖ PHÚ THỌ