Quảng Trị, một vùng đất hẹp Bắc miền Trung, nơi ấy có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Hằng năm, vào dịp tháng 7, rất nhiều đoàn người về với Quảng Trị để thắp hương, tri ân các liệt sĩ và làm các công việc tri ân tình nghĩa đối với người dân địa phương. Điểm nhấn của sự tri ân là Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Tháng 7 trở nên rất thiêng liêng và xúc động với chiến sĩ, đồng bào ta. Tháng 7 chớm thu, đất trời như cũng lắng dịu lại cùng với khói hương ngàn ngạt khắp mọi miền Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Chi đoàn cơ sở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp cùng Đoàn phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) dâng hương dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tây Mỗ - Đại Mỗ, TP Hà Nội. 

Sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa các liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng trở thành tâm nguyện của người Việt Nam, là một phần đời sống tinh thần không thiếu được của chúng ta. Trong tâm thức, trong tình cảm, trong hành động của đồng bào, chiến sĩ chẳng bao giờ nguôi quên hay phai nhạt sự biết ơn những người đã cống hiến máu xương cho độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước. Thêm một việc làm có ý nghĩa đối với các liệt sĩ, thương binh và người có công, dù lớn hay nhỏ đều thể hiện sự tri ân trong sáng của chúng ta, đều mang ý nghĩa xã hội tốt đẹp.

Tri ân là câu chuyện thường ngày như một lẽ tự nhiên của đời sống xã hội, của tinh thần dân tộc chứ không phải đợi đến ngày kỷ niệm mới bùng phát nhộn nhịp. Tri ân cần thực chất, có chiều sâu, có tác dụng tích cực trong cuộc sống. Và cái lớn lao nhất của tri ân chính là hạnh phúc nhân dân như khát vọng của những người đã ngã xuống hôm qua.

NGUYỄN HỮU QUÝ