Nhà văn hóa Hữu Ngọc, trong một bài nghiên cứu về vấn đề này từng than rằng: “Giờ đi lễ, thắp hương loạn xạ, khói um lên, rất mất vệ sinh và tốn tiền”. Theo ông, tục thắp hương là một tục rất đẹp, làn khói dâng lên, âm dương giao hòa, cảm giác về sự kết nối huyền bí, linh thiêng lan tỏa; thường thì người ta dâng một nén, đó là lúc người dâng muốn khơi lòng tĩnh, dẹp lòng trần, xin lòng thiện. Còn khi thắp 3 nén lên bàn thờ gia tiên hoặc ở đền, chùa, là cầu mong phù hộ độ trì ra khỏi một biến cố. Thắp 5 nén ở nơi thờ Thánh mẫu Thượng ngàn là khi cầu xin sự che chở. Thắp 7 nén ở ngoài trời ngày rằm tháng 7 là để xá tội vong nhân... Hiện nay, các đền, chùa lớn chỉ cho du khách thắp ở lư hương đặt ngoài sân, không ít người thắp cả bó hương, rất lãng phí và lấn mất phần người khác.
|
|
Phủ Tây Hồ (Hà Nội) quy định không thắp hương, nến trên các ban thờ. Ảnh mang tính minh họa |
Đặt tiền ở các đền, chùa cũng cần đúng cách. Trước hết, phải dẹp ngay tư tưởng “hối lộ thánh thần”. Nhiều người sắm lễ thật to, đặt tiền mệnh giá lớn với hy vọng được thánh thần để ý, cầu được ước thấy. Tư tưởng thực dụng với thần linh như vậy là biểu hiện của người có trình độ thấp, văn hóa kém. Nhiều đền, chùa đã có biển cấm đặt tiền lên ban thờ. Nhưng nhiều người đi lễ cho rằng, họ muốn đặt một ít tiền để đóng góp mua dầu đèn. Nếu có tấm lòng thành như vậy thì tốt. Đền chùa nào cũng có hòm công đức, khách đến đền, chùa có thể đặt vào đó.
Thắp hương, đặt tiền khi đi lễ đền, chùa là những hành động rất nhỏ, nhưng lại thể hiện trình độ văn hóa tâm linh của người thực hiện. Vì vậy, làm tốt những việc nhỏ này lại đóng góp rất lớn vào xây dựng đời sống văn hóa mới của dân tộc.
THANH LỘC