Thầy Lý Đức Kim (ngồi giữa) với các đồng chí lãnh đạo, cán bộ trong ngày gặp mặt tại Trường Huấn luyện Quốc gia Nhổn. Ảnh: Phan Sang

Một ngày dành riêng cho giáo giới Việt Nam lại đến, những vận động viên và cả những người đi trước lại một lần nhớ đến tấm gương lao động, nhớ đến tấm lòng và trái tim của những người thầy mà họ có may mắn gặp gỡ trên đường đời. Có rất nhiều những tấm gương đáng quý đáng trọng như thế và dưới đây chỉ là một vài hình ảnh mà tôi ghi nhận khá sâu đậm cho đến hôm nay.

Thầy Lý Đức Kim

Huấn luyện viên Lý Đức Kim thuộc diện ít được báo chí nhắc đến. Ông đã ở vào thời điểm của khái niệm cổ lai hy, vậy mà trong mắt nhiều người, ông vẫn thật trẻ trung và sôi nổi.

Khi Đoàn thể thao quân đội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, Lý Đức Kim là cầu thủ bóng chuyền. Cao lớn, thể lực tốt, anh được trao trách nhiệm là mũi đánh chủ công và ngay từ những trận đầu, mũi đánh dứt khoát có hiệu quả ấy lập tức được nhiều lời ngợi khen, tuy nhiên, trong con mắt tôi thì Lý Đức Kim hơn người ở vai trò nhà chỉ đạo, vai trò của một người thầy.

Cách đây đúng 40 năm, tôi là thành viên đội bóng rổ thuộc Đoàn thể thao Việt Nam qua Trung Quốc tập huấn dài ngày chuẩn bị cho việc tham dự Đại hội Ganefo 2 sắp khai mạc ở Ai Cập. Tại đấy tôi gặp lại anh Kim, khi đó là huấn luyện viên trưởng đội nam bóng chuyền Việt Nam. Năm ấy, đội nam gồm toàn cầu thủ hạng “sao”, đó là những Đào Hữu Uyển, Nguyễn Văn Phụng, Nguyễn Năng Sơn, Lâm Dũng, Bùi Huy Giang, Nguyễn Văn Tín và cặp cầu thủ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng, Tăng Tự Hưng, họ là “quân” của Trường Huấn luyện kỹ thuật thể thao Trung ương 1, Nhổn. Anh Kim tươi cười lắm, tôi khó quên trận đấu giữa Thể Công và Bát Nhất (tuyển quân đội Trung Quốc) trên sân Hàng Đẫy năm 1962, anh Kim chắn một mà 2 quả liền bắt chết tay chủ công cao cỡ 1m90 của đội bạn và sân đấu vang rền tiếng vỗ tay. Trong vai trò HLV, anh Kim tỏ ra biết rõ cách thức mà một nhà chuyên nghiệp vẫn phải làm. Phương pháp sư phạm ở anh là rất chuẩn, chính điều này in sâu vào tâm trí nhiều học trò, trong đó có Nguyễn Mạnh Hùng hiện nay là HLV trưởng đội nam sắp đi SEA Games 24. Gặp nhau bên lề Cup Sting 2007 ở TP Hồ Chí Minh, HLV Hùng và tôi đều nhớ thầy Kim, xem ông là một tấm gương mẫu mực của nghề sư phạm thể thao.

Thầy Bùi Lương

Cũng vào mùa thu năm 1967 ấy, tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi và kết bạn với anh Bùi Lương, khi đó là vận động viên điền kinh chuyên về chạy cự ly dài, là nhà vô địch marathon kỳ cựu với thành tích chuyên môn chưa ai vượt qua. Bùi Lương nhỏ người và có đôi mắt sáng, nụ cười tươi. Anh từng đọ sức ngang ngửa với nhiều cao thủ quốc tế ở đường chạy trong và ngoài nước, tuy nhiên, tôi lại ưa “trích ngang” ông bạn như sau:

Năm 1957 bắt đầu đến với đường chạy. 12 năm tung hoành ngang dọc, cho đến năm 1970 Trường Huấn luyện giải tán, Bùi Lương lấy vợ nhưng không bỏ điền kinh, từ đó, anh lại đi học đại học kiêm thi đấu, đến năm 1980 trở thành HLV điền kinh của Hà Nội và bắt đầu cuộc trường chinh tìm kiếm tài năng cho thể thao Việt Nam. Năm 1980, anh đã tìm và phát hiện được Đặng Thị Tèo và cô gái ngoại ô Hà Nội lập tức tỏa sáng khi thầy Bùi Lương dạy dỗ cẩn thận. Năm 2002 Bùi Lương lại lên tuyển, chuẩn bị cho SEA Games 22 lần đầu tiên trên sân nhà. Trò của ông là Đoàn Nữ Trúc Vân, sau đó giành HCV SEA Games 23 và Nguyễn Chí Đông lấy HCB, tất cả đều ở cự ly dài... và mới đây nhất, cô trò cưng của Bùi Lương là Bùi Thị Hiền lại giành HCĐ tại kỳ Indoor Games tổ chức ở Ma Cau.

Từng yêu mến nhiều tấm gương của giới HLV, trong mắt tôi Bùi Lương là ông thầy có tâm và có tài. Cùng với Bùi Lương, một người thầy khác cũng xứng đáng được nhận sự tôn trọng của người hâm mộ thể thao cả nước.

Cô Nguyễn Thị Hiền

Đó là Thượng tá Nguyễn Thị Hiền, nguyên HLV đội nữ Bộ Tư lệnh Thông tin, Phó HLV đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam và hiện nay là HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nữ Bảo Long-Hà Tây mới giành suất lên hạng ở vòng chung kết giải bóng chuyền hạng Nhất toàn quốc mùa 2007.

Nguyễn Thị Hiền là nữ cầu thủ bóng chuyền quân đội từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Chị có vinh dự là thành viên đội tuyển nữ Việt Nam tại kỳ SEA Games 1989, SEA Games đầu tiên có sự hiện diện của thể thao Việt Nam của thời kỳ tái hội nhập. Chị là mũi đánh khỏe khoắn và có tính toán, lại là một quân nhân gương mẫu trong thi đấu và sinh hoạt. Thời gian sau đó, Nguyễn Thị Hiền không còn thi đấu và được đơn vị phân công làm công tác đào tạo trẻ, chính thời gian này, bằng những cố gắng không mệt mỏi, Nguyễn Thị Hiền góp sức vào việc khẳng định Bộ Tư lệnh Thông tin là trung tâm hàng đầu của bóng chuyền nữ Việt Nam trong công tác đào tạo trẻ.

Năm 2003, Nguyễn Thị Hiền là HLV phó đội nữ Việt Nam, đội thi đấu giành HCB, mới đây nhất, chị lại được TS Nguyễn Hữu Khai, Tổng giám đốc công ty Đông Nam Dược Bảo Long, Hà Tây, mời về làm HLV để chỉ hai mùa, cô trò đã xúc động ôm nhau nhảy múa vì đội được lên hạng đội mạnh kể từ mùa giải 2008. Thế là, trong gia đình bóng chuyền, sau các nữ HLV đội mạnh như Hoàng Thúy Hằng và Trần Thị Yến, một HLV nữa đã xuất hiện khá thuyết phục, ngày 20-11 này, chị Nguyễn Thị Hiền đã nhận những bó hoa tươi thắm của học trò. Họ là những niềm tự hào của chúng ta...

Nguyễn Lưu