Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 9-1945, trong thư gửi học sinh ngày đầu năm học mới, Bác khích lệ các em chăm chỉ học tập để làm rạng danh nước nhà: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Tìm hiểu tư tưởng của Bác Hồ về sự nghiệp “trồng người”, có thể thấy nổi lên những vấn đề chủ chốt sau đây:

Một là, giáo dục cũng như mọi công cuộc kiến thiết khác, cần phải xác định rõ mục đích, mục tiêu của việc dạy và học.

Trong Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31-10-1955, Bác đề ra nhiệm vụ cho ngành giáo dục. Theo đó, Bác yêu cầu mỗi một cấp giáo dục từ đại học, trung học, tiểu học và cả gia đình cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này. Đến với Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai ngày 7-5-1958, Bác nói: “Đối với thanh niên trí thức như các cháu ở đây thì cần đặt lại câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai? Đó là hai câu hỏi cần phải trả lời dứt khoát thì mới có phương hướng để sửa chữa khuyết điểm của mình”.

Cũng trong năm đó, vào đầu năm học mới, Bác đã nhấn mạnh về nhiệm vụ các nhà trường: “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề, nhưng rất vẻ vang”.

Như thế, theo Bác Hồ, mục đích, mục tiêu của ngành giáo dục rất cụ thể, rõ ràng, là xây dựng một nền giáo dục dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của xã hội.

Hai là, tự học và học suốt đời, học đi đôi với tự học.

Người dạy, không chỉ học ở nhà trường mà trong mọi hoạt động; cán bộ các cấp đều phải nghiên cứu học tập, luôn luôn cầu tiến bộ.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần đến thăm thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh tư liệu 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì học, tự học luôn gắn liền nhau và đó cũng chính là con đường tốt nhất để mỗi người có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng, nên luôn cố gắng học tập ở mọi nơi, mọi lúc. Người từng tâm sự rằng: “Về văn hóa: Tôi chỉ học hết lớp tiểu học (...). Về hiểu biết phổ thông: Năm 17 tuổi, tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe radio lần đầu tiên”, nên để nâng cao tri thức, đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng mà Tổ quốc, nhân dân giao phó, Người luôn chú trọng việc học, tự học và học suốt đời. Người từng nhấn mạnh rằng: “Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. “Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

Ba là, hướng tới một nền giáo dục thật thà.

Một trong những điều Bác Hồ đặc biệt lưu tâm trong sự nghiệp "trồng người" là tạo lập cho được môi trường giáo dục thật thà. Học phải hiểu cho thực chất, đọc tài liệu thì phải đào sâu, hiểu kỹ. Quan điểm xuyên suốt của Bác là “học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Nếu không có kiến thức thực chất, học mà không hiểu thì không thể làm việc tốt được.

Tháng 4-1952, trong Thư gửi giáo sư và sinh viên Trường dự bị đại học ở Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc. Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân.

Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: Thật thà phụng sự nhân dân.

Trong phong trào toàn dân thi đua, chắc rằng ở trường cũng thi đua. Thầy thi đua dạy, trò thi đua học. Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi”.

Từng là nhà báo và tự nhận là nhà cách mạng chuyên nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách nói, cách viết rất ngắn gọn, dễ hiểu. Nhưng ở bức thư này, chỉ với hơn 200 từ, Người đã 4 lần nhắc lại hai từ “thật thà” khi nói về mục đích và cách dạy, cách học của thầy và trò. Rồi năm 1964, thăm và nói chuyện với giáo viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác một lần nữa nhắc lại yêu cầu thật thà: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình”.

Rõ ràng là, những dòng thư trên cho thấy, điều Bác đặc biệt quan tâm là đức tính thật thà. Hay nói cách khác, muốn dạy tốt và học tốt là phải dạy thật và học thật.

Bốn là, dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt.

Đó là lời căn dặn của Bác trong bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục vào ngày 16-10-1968. Sau khi biểu dương những cố gắng lớn lao của toàn ngành trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, Bác nhắc tới các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên, trong đó Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”.

Bác cũng đề cao sứ mệnh của thầy, cô giáo: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Năm là, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Trước khi về với cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng, Nhà nước đối với việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ: “Ðảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Gần đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, đọc lại những lời Bác dặn càng thấy tầm tư tưởng lớn lao và tình cảm bao la của Người đối với sự nghiệp "trồng người". Tuy đâu đó trong ngành giáo dục vẫn còn nhiều điều có thể khiến Bác chưa hài lòng, như chính ngành giáo dục đã tự nhìn nhận và chỉ ra, nhưng ưu điểm vẫn là nổi trội. Gần 80 năm qua kể từ ngày lập nước, ngành giáo dục đã luôn nghiêm chỉnh thực hiện lời Bác dạy; đã đào tạo được nhiều triệu học trò vừa “hồng” vừa “chuyên”, luôn dũng cảm đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là đội hậu bị tin cậy của cách mạng; đã và đang được chuẩn bị tốt các điều kiện để trở thành những chủ nhân tương lai tốt của nước nhà.

Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Có thể nói, những tư tưởng chủ đạo của giáo dục Việt Nam bắt nguồn từ câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc dốt là dân tộc yếu” vào đầu tháng 9-1945, cũng đã mở đầu cho triết lý giáo dục Việt Nam với những khẩu hiệu “Dạy tốt, học tốt”; phương châm “Học đi đôi với hành”... trong giáo dục.

leftcenterrightdel

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc. Ảnh: THU HÒA

"Nếu trong xã hội thời xưa thường tuyệt đối hóa vai trò của người thầy từ tri thức, uy tín, thái độ, thậm chí quyền lực trong lớp thì trong tâm lý học, giáo dục học hiện đại và theo nghiên cứu về giáo dục thế kỷ 21 của UNESCO có nhấn mạnh quan hệ giao lưu, giao tiếp giữa thầy và trò. Mà theo tôi, trong nhà trường, mọi sự thay đổi đều nên bắt nguồn từ thầy giáo, cô giáo. Đội ngũ này cần đi trước, làm gương cho học sinh thì sẽ dẫn đến kết quả mà xã hội mong muốn. Nhưng cũng cần trên cơ sở cả xã hội phải quan tâm thực hiện, phát huy được tinh thần dân chủ. Và vì thế, trong đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, yêu cầu đặt ra cho các trường sư phạm là rất cao, rất nhiều".

TS CHU ĐỨC TÍNH, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh