Dân số của nước ta hiện nay gần 100 triệu người. Số người trong độ tuổi lao động khoảng 51 triệu người. Trong số 51 triệu người này, nhân lực công dân sự chỉ chiếm 2,8 triệu người. Như vậy, nhân lực tư và năng lực của nguồn nhân lực này có ý nghĩa quyết định đối với sự giàu mạnh của Việt Nam ta. Nếu có sự luân chuyển nhân lực từ lĩnh vực công sang cho lĩnh vực tư thì cũng không nhất thiết phải xem là một sự thất thoát nhân lực.
Ngoài ra, vài chục nghìn người xin nghỉ việc so với toàn bộ nguồn nhân lực công thì vẫn là một con số khá nhỏ bé. Tuy nhiên, xu hướng rời bỏ lĩnh vực công đã bị kích hoạt. Nếu xu hướng này không bị đảo ngược mà tiếp tục gia tăng trong thời gian tới thì "chảy máu" nhân lực công hoàn toàn có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng của đất nước. Dưới đây là những lý do cơ bản.
Thứ nhất, xã hội không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu những hàng hóa, dịch vụ công vô cùng quan trọng như quốc phòng, an ninh, trật tự, công lý, ổn định kinh tế vĩ mô... Đây là những hàng hóa và dịch vụ chỉ có lĩnh vực công mới cung cấp được.
Thứ hai, lĩnh vực tư cơ bản sẽ không vận hành khi lợi nhuận không được bảo đảm. Thế nhưng, có nhiều hàng hóa, dịch vụ công không thể thu tiền để tìm kiếm lợi nhuận như đèn chiếu sáng công cộng; tiện ích đường phố, tín hiệu giao thông; dự báo khí tượng... Mặc dù vậy, những hàng hóa, dịch vụ này vẫn rất cần thiết cho người dân và xã hội. Trong trường hợp này, thiếu lĩnh vực công, vấn đề sẽ không được giải quyết.
Thứ ba, bảo đảm công bằng xã hội là rất quan trọng. Nhưng lĩnh vực tư rất khó làm được điều này. Để những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội vẫn được tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục... thì lĩnh vực công phải đảm nhận phần lớn việc cung cấp các dịch vụ này. Lĩnh vực công mới bảo đảm được chất lượng và giá cả của các dịch vụ này phù hợp cho mọi người dân.
Ngoài ra, kinh nghiệm của thế giới cho thấy, một nền công vụ chuyên nghiệp hiệu năng là không thể thiếu để một quốc gia trở nên giàu có và hùng mạnh.
Muốn đảo ngược xu thế nhân lực rời bỏ lĩnh vực công thì quan trọng là nhận biết những nguyên nhân gây ra xu thế này. Có lẽ, dưới đây là những nguyên nhân dễ dàng nhận biết.
Nguyên nhân thứ nhất là lương trong lĩnh vực công thấp. Mặc dù Quốc hội đã điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,80 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%) thì đây vẫn là mức lương khá thấp. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở mức lương cơ sở mà có lẽ nằm ở mức lương tối đa. Với mức lương tối đa chỉ vào khoảng trên dưới 20 triệu đồng/tháng, lĩnh vực công hoàn toàn không thể cạnh tranh được với lĩnh vực tư trong việc thu hút người tài. Mức lương tối đa của lĩnh vực tư là không có giới hạn. Những người tài, người có năng lực được trả lương rất cao. Nhiều người thậm chí được trả lương tới hàng trăm triệu đồng/tháng...
Nguyên nhân thứ hai là môi trường thể chế cho sự đột phá, sáng tạo trong lĩnh vực công rất nhỏ hẹp. “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”. Do bị pháp luật điều chỉnh rất chặt chẽ nên không gian thể chế cho lĩnh vực công khá hạn chế.
    |
 |
Các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2-Bộ Quốc phòng tại Bắc Giang. Ảnh: PHÚ SƠN |
Nguyên nhân thứ ba là nhân lực ở lĩnh vực tư được sử dụng linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều. Những người tài, người có năng lực có thể được phát hiện và đề bạt rất nhanh chóng; những người không phù hợp cũng có thể được chuyển đổi ngay. Trong lĩnh vực công, các quy định về tiêu chuẩn, quy hoạch, quy trình, thủ tục rất phức tạp. Vì vậy, quản trị nhân lực công khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, trong lĩnh vực tư, áp lực phải lựa chọn và cất nhắc cho được người tài lớn hơn trong lĩnh vực công. Những người chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình nếu họ không lựa chọn và đề bạt đúng người tài.
Nguyên nhân thứ tư là nhiều ưu tiên, ưu đãi của lĩnh vực công đã bị cắt giảm hoặc xóa bỏ. Chế độ biên chế suốt đời đã bị thu hẹp rất đáng kể. Hiện nay chỉ còn cán bộ, công chức có biên chế suốt đời. Các viên chức không còn được hưởng chế độ này nữa. Ngoài ra, một số chế độ, chính sách khác như nhà ở, phương tiện đi lại, chế độ nghỉ dưỡng, chế độ khám, chữa bệnh... cũng đã bị thu hẹp hoặc cắt giảm.
Nguyên nhân thứ năm là danh dự và uy tín xã hội của lĩnh vực công bị suy giảm. Uy tín xã hội như là một thế mạnh của lĩnh vực công đang bị suy giảm rất nhiều. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Sự kém hiệu năng, thái độ nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức đã làm tổn hại rất lớn đến hình ảnh trước công chúng của lĩnh vực công. Thêm vào đó, khi không ít quan chức cao cấp bị bắt, bị trừng phạt vì tham nhũng thì hình ảnh trước công chúng của lĩnh vực công cũng không thể không bị ảnh hưởng. Quả thực, mất đi sự tôn trọng của công chúng là mất đi một nguồn động lực rất lớn để cống hiến trong lĩnh vực công.
Để ngăn chặn xu hướng rời bỏ lĩnh vực công, chúng ta phải tìm cách xử lý cả 5 nguyên nhân nêu trên.
Trước hết, quan trọng nhất là cần phải tiếp tục cải cách chế độ tiền lương. Chương trình cải cách tiền lương vừa được Quốc hội thông qua là bước khởi đầu quan trọng. Tuy nhiên, tiền lương trung bình cho lĩnh vực công về nguyên tắc phải không được thấp hơn tiền lương trung bình cho lĩnh vực tư. Đây phải là tiêu chí quan trọng nhất để xác định mức lương cho lĩnh vực công.
Thứ hai, cần phải tích cực thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị về việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Một khuôn khổ pháp lý đáng tin cậy để những người dám nghĩ, dám làm trong lĩnh vực công được bảo vệ là rất quan trọng.
Thứ ba, cần phải nghiên cứu để cải cách và đổi mới việc quản trị nhân lực công. Về cơ bản, mỗi quốc gia đều có 5 loại nhân lực công cơ bản sau đây: 1. Chính khách (cán bộ); 2. Công chức; 3. Viên chức; 4. Thẩm phán; 5. Sĩ quan, tướng lĩnh Quân đội, Công an và các quân nhân. Quy chế quản lý nên được thiết kế cho phù hợp với từng loại nhân lực công. Trong lĩnh vực hành chính công vụ, nên cất nhắc, đề bạt theo thành tích thực tế. Hệ thống chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) phải được áp dụng cho tất cả công chức, viên chức để có thể đo đếm sự cống hiến của từng người một cách khách quan. Những người có thành tích tốt hơn phải mau chóng được cất nhắc, đề bạt.
Thứ tư, nên nghiên cứu và ban hành một số chế độ, chính sách mang tính chất ưu tiên, ưu đãi cho lĩnh vực công. Những ưu tiên, ưu đãi này không nhất thiết phải nặng về vật chất mà chỉ mang tính biểu tượng là chính.
Thứ năm, tiến hành những cải cách cần thiết để phục hồi uy tín xã hội của lĩnh vực công. Bảo đảm sự tận tụy và công tâm của lĩnh vực công là giải pháp quan trọng nhất. Bên cạnh đó, một chiến lược truyền thông hiệu quả để phục hồi hình ảnh tốt đẹp trước công chúng cho lĩnh vực công cũng rất cần thiết.
TS NGUYỄN SĨ DŨNG