Nhà tôi ở một quận nội thành Hà Nội. Giờ thì kiếm một xô đất cũng khó. Còn cách đây hơn ba chục năm, xung quanh toàn ruộng.

Thời ấy, dù mấy làng lân cận đã lên phường, nhưng ruộng lúa vẫn mênh mông. Gần mùa gặt lúa hè-thu, bông đã uốn móc câu, hầu hết các miếng ruộng đều khô nứt nẻ. 

Trưa hè nắng chang chang, hai anh em tôi xách cái thùng nhôm ra đồng. Cái thùng ấy, nếu bỏ cái quai ngang, có thể úp kín người tôi. 

leftcenterrightdel

Cá vừa được bắt ở ruộng cạn. 

Ra tới giữa cánh đồng, với kinh nghiệm được mẹ-một nông dân thoát ly-truyền lại, cả hai anh em dỏng tai bốn hướng. Trưa hè vắng lặng, gió cũng chỉ hiu hiu, vẳng lại tiếng cá quẫy. Mừng ra mặt, hai anh em cùng hóng về hướng ấy, trong bụng chắc mẩm-trúng quả!

Ấy là miếng ruộng ròn! Tức là, đến mùa gặt, cả cánh đồng khô dần, nước dồn về mảnh ruộng thấp nhất. Điều đó đồng nghĩa, bao nhiêu tôm cá cũng dồn về theo. Nước ít, vũng nhỏ, cá chen nhau quẫy tũng toẵng.

Tìm được miếng ruộng ròn, cá đen cả vũng nước. Việc đầu tiên là hai anh em thi nhau vồ cá ném vào thùng. Bắt hết một lượt, cá vãn, dùng cái thau con tát nốt chỗ nước còn lại. Lại nhung nhúc cá chép, rô, diếc dồn vào chỗ trũng. Vồ được thêm cả mấy con cá chõn (cá chuối nhỏ). 

Hết cá, đến màn chẫn trạch. Hai bàn tay đan vào nhau, vọc xuống, hớt bùn lên thật nhanh, những con trạch béo vàng bị lôi ra khỏi chỗ ẩn náu, vội vã rúc lại. Nhưng không kịp nữa rồi! Một thằng chẫn bùn, một thằng vồ trạch. Chả mấy chốc, cái thùng nhôm đầy lưng miệng. Sợ cá nhảy ra, phải lấy cái thau úp lên. Hai anh em khệ nệ khiêng về.

Cá ruộng ròn được ăn từ thóc non đến thóc già, con nào cũng béo ú, vàng ươm. Chủ yếu là cá rô, diếc, cá cờ, mài mại, đòng đong, cá chõn và cả mớ trạch. 

Mẹ đổ thùng cá ra sàn, lựa những con cỡ nhỡ trở lên, để riêng. Cá cờ, mài mại dành cho bọn gà, vịt. Cá đòng đong bụng ễnh trứng và đám rô, diếc nhỏ, mẹ làm đĩa rán giòn. 

Mớ cá nhỡ và to để riêng, mẹ mổ sạch, rắc tý muối trắng rồi hấp qua. Chiều nắng gắt, mẹ đem phơi. Chừng đủ ba nắng, mớ cá khô săn lại. Mẹ bỏ cá khô vào túi ni lông, buộc kín, để dành làm mặt hàng “chiến lược” cho mùa đông rét mướt.

Giờ đã bước sang sườn dốc bên kia của cuộc đời, nhưng chưa bao giờ tôi quên được món cá khô mẹ làm.

Mùa đông, lạnh, mưa dầm gió bấc. Mỗi bữa, mẹ bốc chừng hai nắm cá khô. Lạ là dù chưa chế biến nhưng cá không tanh chút nào. Ngược lại, còn thơm mùi nắng. Cá nhà tự làm nên yên tâm về độ sạch. Mẹ cho vào chảo mỡ đang sôi. Chả mấy chốc, cá khô chín giòn. Mẹ rưới vào ít nước mắm, rắc chút hạt tiêu, thế là được món nhớ đời.

Ngoài trời lạnh căm căm, xúc bát cơm nóng nghi ngút, cắn miếng cá khô dai dai, giòn giòn, thơm, ngọt, ấm áp vị hạt tiêu... có lẽ, sơn hào hải vị cũng phải đứng sau. Lại ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, mỗi đứa con trẻ đánh dăm bát cơm đầy, bụng căng tròn mà vẫn thòm thèm, lúc dọn cơm vẫn cố ăn vụng thêm con cá mới có được cảm giác thỏa mãn.

Người ta bảo, thời bao cấp thiếu thốn nên ăn gì cũng thấy ngon. Còn giờ, vật chất thừa mứa, một bữa ăn ngon không dễ kiếm. Tất nhiên, mỗi thời một khác, cuộc sống theo quy luật là đi lên. Thế nhưng, ở hiện tại, để kiếm được một mớ cá béo vàng từ một cánh đồng trồng cấy theo đúng kiểu truyền thống, chắc không phải là việc dễ. Hơn thế, ở cái “tuổi ăn, tuổi lớn”, ăn gì chẳng ngon!

TRẦN LONG