Cô tôi bảo: “Giờ hầu như chả còn ai qua lại bến này nữa rồi. Nếu muốn sang bên kia sông, chỉ cần mất 5 phút đi xe máy là tới”.

Chiều tà, tôi thả hồn nơi bến sông xưa. Hoàng hôn nhuộm màu lam tím những ký ức tuổi thơ tôi. Dòng nước lững lờ trôi, đượm nỗi thương nhớ những người đã từng qua lại bến. Đâu đó có tiếng lách cách của một con thuyền nan vừa cập bến sau một buổi thả lưới trên sông. Phía cầu Lực Điền, ánh điện đã sáng lên báo hiệu một ngày sắp kết thúc. Tôi lặng lẽ ngồi trên bãi cỏ mềm và đưa ánh mắt nhìn lên bầu trời. Trong chập chờn vài cánh én mỏng, cái ngày xưa xa lắc bỗng xốn xang ùa về. Ngày mà quê tôi tiễn những người trai làng ra trận...

Ngày hè những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bến sông làng tôi chiều nào cũng ngập tràn tiếng nói cười. Đám con trai, con gái tuổi dậy thì đua nhau khoe dáng, vùng vẫy. Bà nội chiều nào cũng ra bờ sông gào giọng để gọi tôi về ăn cơm. Có lần gọi mãi tôi mới từ phía bờ bên sông kia bơi về, bà chửi ngay: “Cha đẻ nhà anh chứ. Mới mươi tuổi đầu mà nghịch như quỷ. Ngày sau lớn cho đi bộ đội để họ rèn giũa mới được”. Chửi vậy thôi, chứ bà chẳng muốn cho tôi đi bộ đội đâu. Bố tôi đã hy sinh ở chiến trường năm 1971 rồi, bác anh ruột mẹ tôi cũng hy sinh năm 1968, nên bà ghét chiến tranh lắm. Có lần tôi ngủ cùng, bà thủ thỉ: “Học giỏi mới ấm vào thân cháu ạ. Mong đất nước giải phóng nhanh, để nhiều gia đình không phải chịu thương đau nữa”.

Đấy là ước nguyện của bà nội, hay của hàng triệu triệu người dân Việt Nam thôi. Chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt. Chiến trường miền Nam ngập tràn bom đạn. Nó lần lượt lôi tuột những chàng trai mới lớn ra khỏi làng.

Ở xóm tôi có chị Mai con bác Bắc vừa đẹp người, lại đẹp nết. Chị cấy giỏi nhất làng và gánh lúa thì như múa trên con đường từ cánh đồng về nhà. Mẹ tôi nói, nhìn chị Mai cấy cứ tưởng chị đang vẽ những hàng lúa thẳng băng trên ruộng mà không cần dây chăng. Mỗi lần chị cấy lúa, dáng hình “thắt đáy lưng ong” cong xuống như một cánh cung. Gương mặt soi bằng với mặt ruộng, cánh tay trái ôm đọn mạ như người mẹ ôm con, ánh mắt chị đưa theo cánh tay phải thoăn thoắt cắm những thân mạ xuống mặt bùn, y như một chiếc kim máy khâu đang vẽ những dòng chỉ đều trên mặt vải. Còn tôi, khi nhìn chị gánh lúa trên đường, lại ngỡ như có cô văn công vừa đi lại vừa hát. Đôi chân sáo của chị thánh thót, kéo theo cánh tay trái đong đưa đều đặn theo những bước chân. Cánh tay phải vịn chặt vào chiếc đòn gánh đang nhún nhẩy mềm mại trên chiếc vai tròn. Thi thoảng mỏi vai, chị chỉ cần lắc nhẹ là chiếc đòn gánh xoay vòng từ vai phải sang vai trái. Mấy anh thanh niên nhìn thấy chị gánh lúa, cứ đứng ngẩn ngơ như người bị thôi miên.

leftcenterrightdel
Minh họa: THANH PHƯƠNG 
Có cả chục anh con trai trong xã và các khu vực lân cận “trồng cây si” trước nhà, nhưng xem ra chị chỉ thích anh Đông nhà gần bến sông. Anh Đông học giỏi, mà cày bừa cũng hay. Năm 17 tuổi mà anh đã trở thành lao động chính trong gia đình. Nhiều lần cày bừa xong ruộng nhà mình, anh lại dong trâu sang giúp những gia đình khác. Anh Đông và chị Mai cùng người dân làng tiễn nhiều người con quê ra chiến trường mấy năm nay.

Tiễn bao đàn anh nhập ngũ, thì năm 1973 đến lượt anh Đông khoác ba lô lên phố huyện. Đã gần gũi với nhau như cơm bữa, mà trước khi anh Đông xa quê một ngày, chị Mai chạy sang nhà tôi nói với mẹ: “Cô Khoa cho cháu mượn thằng Hải một tý nhé”. Mẹ tôi ngơ ngác: “Có việc gì quan trọng à Mai?”. “Cho cháu mượn nhé. Cháu sẽ giải thích với cô sau”. Nói đoạn chị cầm cánh tay tôi lôi tuột ra bến sông.

Sáng sớm, bến sông sóng sánh ánh bình minh. Mấy con cá búng nước tanh tách khiến tôi càng ngẩn ngơ nhìn chị Mai. Chị đứng cạnh bụi tre như một bức tượng. Dáng của chị in vào dòng nước rung rinh, mái tóc vẫy vẫy theo hướng gió. Một lúc sau chị nói với tôi: “Hải này, em mang cái thư này đưa cho anh Đông giúp chị nhé”. Tôi cầm lá thư và lao đi như một mũi tên. Nhận được thư của người yêu, anh Đông run run chưa dám mở. Anh bảo tôi ngồi đợi ở hiên nhà rồi lặng lẽ đọc thư dưới gốc cây ổi. Một lúc sau anh bảo: “Em nói với chị Mai là anh đã đọc thư và gật đầu nhé”...

Cái tối ấm áp, bịn rịn và có nhiều giọt nước mắt rơi khi chia tay những thanh niên lên đường nhập ngũ rồi cũng qua đi. Chỉ biết rằng sáng hôm sau người ta nói ở bến sông đêm qua nghe có tiếng sáo và tiếng hát. Tiếng hát quyện vào tiếng sáo, vút lên cao và quấn chặt hai thân hình người con trai, người con gái vào với nhau. Trong ánh trăng mờ ảo, có người còn khịa là hình như là chị Hằng và chú Cuội trên cung trăng bay xuống bến sông múa hát. Tôi thì biết tiếng sáo và tiếng hát ấy là của ai rồi. Bến sông sáng nay lại có những con đò đưa những người trai làng lên đường nhập ngũ...

Công việc ruộng đồng làm cho người dân quê tôi chẳng để ý đến ngày tháng trôi đi. Chị Mai những ngày này cũng hay sang nhà tôi trò chuyện với mẹ. Chị hỏi mẹ tôi đủ điều. Nào là bố tôi ngày mới nhập ngũ có hay được về thăm nhà, có hay viết thư về không? Những lá thư gửi từ chiến trường về như thế nào? Hỏi tin tức người thân ở chiến trường ra sao?... Thế rồi một tin sét đánh lan ra khắp làng: Chị Mai có chửa. Con gái không chồng mà chửa thời kỳ này ở vùng quê là một chuyện tày đình. Mấy anh chàng “khoèo chân, hở rốn”, không đủ sức khỏe đi bộ đội mê chị Mai cũng lắc đầu, lè lưỡi. Cái Mai có thai với ai? Câu hỏi này cứ truyền từ miệng người này qua miệng người khác.

Bố mẹ chị Mai lúc nóng giận đã chửi mắng chị như tát nước vào mặt. Nhưng thấy con gái nước mắt đầm đìa, người ủ rũ như tàu lá héo, hai bác lại se sắt như có ai đó đang xát muối vào tim gan. Bỏ qua những lời dè bỉu chua ngoa, chiều nào chị Mai cũng ra ngồi dưới bóng bụi tre ngà trên bến sông và nhìn về phía Nam…

Rồi lại một tin xôn xao cả làng khi bố mẹ anh Đông mang trầu cau sang hỏi chị Mai về làm dâu. Ai cũng bán tín, bán nghi. Có người còn hỏi thẳng bác Bảo-bố của anh Đông: “Nhà ông tậu trâu lại được cả nghé à?”. Bác Bảo nói thẳng: “Cái thai đó là của thằng Đông nhà tôi. Nó là cháu nội tôi”. Người nghe há hốc mồm. Còn người xách mé thì chưa buông tha: “Sao ông biết đó là cái thai của thằng Đông?”. “Tôi tin con Mai. Tôi tin thằng Đông. Chúng nó yêu nhau, cái thai không là con của chúng nó thì con của ai?”. Mọi tiếng gièm pha cụt hứng sau sự quả quyết của bác Bảo. Nghe bố anh Đông nói vậy, chị Mai khóc nấc. Còn vợ chồng bác Bắc cũng nước mắt rơi tả tơi.

Chẳng cần chú rể, đám cưới của chị Mai với anh Đông vẫn diễn ra trong tình nghĩa xóm làng. Người mừng, kẻ chê cũng chả ngăn cản được chị về làm dâu nhà bác Bảo. Đúng lúc này thì chị Mai nhận được thư của anh Đông từ chiến trường gửi về. Do chưa biết bố mẹ đã làm đám cưới cho mình, nên anh viết: “Mai à! Chiến trường miền Đông ác liệt lắm. Nhưng dù trong mưa bom, lửa đạn, anh vẫn luôn nhớ về quê hương, nhớ gia đình và nhớ em da diết. Anh mong đất nước nhanh đến ngày thống nhất, để được về bến sông quê, được đón em về làm dâu…”.

Làm dâu nhà anh Đông được 6 tháng thì chị Mai sinh con. Cậu con trai chào đời trong niềm vui của hai gia đình. Bác Bảo gái phấn khích: “Nó giống y như thằng Đông ngày mới lọt lòng ấy”. Thằng cu càng lớn lại càng giống bố như hai giọt nước. Niềm vui này kéo dài được hơn 2 năm thì nhà bác Bảo nhận được tin dữ: Anh Đông đã hy sinh ở cửa ngõ thành phố Sài Gòn đúng ngày 30-4-1975, khi thời khắc giải phóng chỉ còn tính bằng giờ. Cả làng tôi lúc này có tới 5 cái giấy báo tử cùng về một lúc. Chị Mai gào khóc, ngất lên ngất xuống. Lúc tỉnh chị chạy ào ra bến sông và nhảy tùm xuống nước. Cũng may có nhiều người biết nên đã vớt chị lên bờ. Cả tháng liền nhà bác Bắc và nhà bác Bảo phải cử người canh chị. Và bến sông quê dần trở thành nơi chị ngẩn ngơ, thẫn thờ, ngây dại mỗi lúc nhớ anh Đông.

… Lúc thằng Chiến Thắng - con của anh Đông và chị Mai thi đậu vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, gia đình mới tìm được phần mộ và đưa hài cốt anh Đông về nghĩa trang liệt sĩ của xã. Chị Mai không lấy chồng nữa, mà ở vậy nuôi con đến lúc trưởng thành. Lúc thằng Thắng lên học viện, chị Mai dặn: "Con lấy số điện thoại của chú Hải. Chú là sĩ quan Không quân đấy. Có gì chú chỉ bảo thêm". Thế mà giờ Thắng đã là một Trung tá, đang công tác ở Quân chủng Hải quân.

Đang nghĩ ngợi chơi vơi trên bến sông, tôi bỗng nghe tiếng gọi to: “Chú Hải ơi! Mẹ cháu mời chú về ăn cơm ạ”. Tiếng của thằng Thắng. Tiếng gọi sang sảng như tiếng anh Đông gọi đò trên bến sông ngày trước. Tôi rời bến khi những ngôi sao đã lấp lánh trên bầu trời. Trong muôn vàn vì sao kia, tôi nghĩ sẽ có các ngôi sao là linh hồn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có bác tôi, bố tôi, anh Đông... Những ngôi sao ấy sẽ mãi lấp lánh trên bầu trời, tràn vào trong ánh mắt và trái tim của tôi, tràn vào trong ánh mắt và trái tim của mọi người…

Ký của Lê Phi Hùng

TP Hồ Chí Minh, tháng 7-2017