Tàu vừa cập bến cảng Nam Du (tại xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), tài công bảo chúng tôi: “Nhớ kiếm ghẹ xanh, mực trứng mà ăn, đang vào mùa đó”. Nhớ lời dặn, chúng tôi đứng trên cầu cảng, đợi tàu cập bến í ới hỏi mua. Nhưng quả là chúng tôi vô duyên. Mấy ngư dân lắc đầu hoài, ra hiệu bảo chúng tôi hỏi chủ buôn, vì hải sản đã được đặt hết ngay từ ngoài khơi. Ghẹ xanh to khỏe giãy trong thùng nhựa, cỡ nửa ký hoặc gần ký một con, nhìn thích mắt. Nhưng thứ khiến chúng tôi chú ý hơn cả chính là một loài cá xấu hoắc, xù xì, như kiểu quái vật hiện ra trong phim “Cướp biển vùng Caribbean”. Tôi hỏi một tiểu thương trên cầu cảng: “Cá chi đó chị ơi?”. “Cá mặt quỷ đó”. “Con này thì chế biến được món chi ạ?”. “Chắc chú mới lần đầu ra đây. Cá mặt quỷ này nướng là ngon nhất. Ăn ngon hơn thịt gà”. Nghe vậy, chúng tôi cảm giác dịch vị ứa ra ướt chân răng dù 3 đứa vừa làm mấy tô bún hải sản.

Sao lại không thử nhỉ, bụng bảo dạ, chúng tôi hỏi mua luôn. 1 ký có giá 250 nghìn đồng. Chúng tôi mua 300 nghìn đồng, dư một cân để được 6 con cho dễ chia. Nghe lời khuyên của mấy chị đứng đợi chồng đi biển sắp về, chúng tôi xách cá ra quán nướng ven kè biển. Tiền công thuê chế biến cá nướng 50 nghìn đồng. Vừa ngắm hoàng hôn vừa hít hà mùi cá nướng thơm nức ngay bên cạnh mới tuyệt làm sao! Thịt cá trắng phau đã được lọc xương, bỏ da sạch sẽ, tẩm ướp ớt, mắm, tiêu tươi ngào đường (đặc sản đất Kiên Giang), nướng trên than hoa. Thịt cá nứt đến đâu, chủ quán lại phết vào một lớp tiêu tươi ngào đường đến đó. “Cho mấy lon bia chị ơi”, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy chủ quán bảo không bán rượu, bia. Ủa, lạ vậy sao, có phải quán nhậu không nhỉ? Chị chủ vừa nướng cá vừa mau miệng bảo chúng tôi đi bộ mấy bước chân ra quầy tạp hóa mua. “Hay thật, sao quán chị không bán luôn bia?”. “Mỗi người kiếm một chút vui hơn chứ”, câu trả lời của chị chủ quán khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Nhưng mọi câu chuyện tan ngay khi đĩa cá nướng được bày trên bàn. Bia rót ra sủi bọt. Xé miếng cá nướng chấm gia vị chanh ớt, làm ừng ực mấy ngụm bia, cảm giác như “cắn” được cả đại dương.

Bầu không khí đột nhiên chìm vào yên lặng. 3 đứa chúng tôi ngừng hết mọi chuyện, xé cá ăn liên tục. Thịt cá nướng thơm, dai, ngọt, bén mùi than hoa, quyện với nước chấm... chao ôi đúng là tuyệt vời. Chúng tôi thầm cám ơn chị tiểu thương ở cầu cảng đã chỉ cho chúng tôi quà ngon của biển. Chứ kỳ thực, nhìn cá mặt quỷ thấy hãi, nói chi đến làm món nọ, món kia.

leftcenterrightdel

Cá mặt quỷ nướng là món ăn khoái khẩu của nhiều người. 

Thấy chúng tôi gật gù, chị chủ quán tâm đắc, ra buôn chuyện: “Cá mặt quỷ nướng (muối ớt) là ngon nhất, nếu không thì hấp, kho, chứ cá này nấu canh, chế lẩu thì lại dở, ăn thịt bở”. Nghe chuyện chị kể, hóa ra cá mặt quỷ nướng luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của du khách khi đến với Nam Du. Du khách sành ăn có thể sáng tạo ra các loại nước chấm ăn kèm với món cá mặt quỷ nướng, để có thể tìm được hương vị mà mình thích nhất khi thưởng thức cùng món cá này.

Thế nhưng làm cá mặt quỷ phải hết sức cẩn thận, vì trong cá có độc tố. Loài cá này thân hình xù xì, nhiều vây ở sống lưng, khá giống với đá tảng bởi lớp da ngoài loang lổ màu nâu, đỏ, vàng. Chính vì thế mà cá mặt quỷ còn có tên gọi khác là cá đá (stone fish). Loài cá này thường sinh sống tại những rạn đá ngầm, san hô; là bậc thầy ngụy trang vì có khả năng hóa mình hoàn hảo với môi trường xung quanh. Để đánh bắt được cá mặt quỷ, ngư dân cần phải lặn tìm và bắt tận tay. Ngay khi bắt xong, ngư dân sẽ thả cá vào một khoang kín có nước biển và tiến hành bơm oxy để cá còn sống khi tàu cập cảng. Chính vì lý do đó mà cá mặt quỷ tuy bé nhưng khá đắt, vào mùa du lịch cao điểm có giá lên đến 700-800 nghìn đồng/ký (còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cá mặt quỷ sống có giá tới 1 triệu đồng/ký).

Theo ngư dân ở Nam Du và một số chuyên gia ẩm thực, thịt cá mặt quỷ chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi. Nổi bật nhất omega-3, một chất rất tốt cho sức khỏe con người. Không chỉ có công dụng làm giảm nguy cơ ung thư và các bệnh tim mạch, omega-3 còn giúp da đẹp hơn.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NAM