Chẳng là hồi đó khi học Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Nội), mấy đứa chúng tôi nhà nào cũng khó khăn, cơm canh quanh năm là rau muống, bắp cải, dưa hành, lạc rang. Bữa nào con gà mái cục ta cục tác thì ắt có quả trứng lăn ra khỏi ổ. Chủ nhà không nhanh chân ra khều trứng thì chuột tha vào hang ngay. Trứng chưng cà chua với nắm muối to, một thìa trứng đủ cho bát cơm. Ăn uống thiếu đạm, chúng tôi rủ nhau đi câu cá, câu lươn, câu ếch. Gì chứ ngày đó, khu Kim Mã, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Ngọc Khánh (Hà Nội)... toàn ruộng mương, lươn, cá, ếch nhiều lắm. Vui tay làm nắm hoa mướp, kiểu gì cũng câu được xâu ếch trong bãi ruộng rau muống.
|
|
Bánh tôm là nét đặc sắc của ẩm thực Hà Nội. |
Thế rồi, có đứa hỏi: “Đã thằng nào đi câu tôm ở Hồ Tây chưa?”. “Dại thế, Hồ Tây người ta cấm câu trộm đấy”. “Ơ, mình còn bé thế này (lúc đó, chúng tôi học lớp 9 nhưng đứa nào cũng còi dí dị), người lớn không bắt đâu”. Cả hội lúi húi làm cần, dây phanh xe đạp cứ thế gỡ ra từng sợi làm lưỡi. Không biết thằng Toàn (Nguyễn Văn Toàn-nhà giờ ở đường Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) hỏi ai mà nó dẫn cả đám đạp xe vào Phủ Tây Hồ. Nó bảo nghe nói tôm trong này to lắm, mà câu trong phủ, chắc không ai vào bắt đâu. Nhưng điều làm chúng tôi nhớ đến tận bây giờ, đó là trên đường vào phủ, ở hai bên, các cô, các chị bán bún ốc, bánh tôm thơm nức mũi. Bánh tôm bày cao ú ụ khiến chúng tôi thèm ứa nước miếng. Chưa kể mùi thơm từ riêu cua, bún ốc hồi đó còn “tra tấn” tâm hồn chúng tôi đến bây giờ. Móc mồi giun, lấm la lấm lét thả xuống hồ, thoáng chốc, dây chỉ căng, đầu cần nhúi xuống, chúng tôi từ từ nhấc lên. "Mẹ ơi, tôm to quá! Con nào con nấy to như ngón tay cái, càng dài lêu hêu và điều này mới hay, đầu con nào con đó phủ đầy rêu. Thằng Toàn phán: “Yên tâm câu lâu dài, tôm đầu rêu mốc thế này chứng tỏ sống lâu, không ai câu”.
Ngày đó, chúng tôi câu trộm tôm cũng ê mặt. Có lần bảo vệ hồ phóng xuồng qua, thấy mấy thằng mặc quần cộc chưa đến mắt cá chân, dép nhựa vá chằng chịt thì lại gần, nói nhỏ: “Mấy ông tướng câu ít thôi nhé”. Nghe chú bảo vệ nói vậy, mấy thằng mừng quýnh, từ đó an tâm thả cần. Chúng tôi cũng biết ý, câu ít, mỗi thằng được trên dưới chục con tôm là về. Nhà thằng Toàn 3 anh chị em, bố mẹ và bà nó nữa là 6 người, vậy 12 con chia 6 là đều. Như nhà tôi 4 thành viên, 8 con là hợp lý. Câu xong, trên đường rời phủ, các chị bán bánh tôm luôn miệng hỏi: “Có bán tôm không?”. “Không ạ”. “Thế có đổi lấy bánh tôm không?”. Đến giờ, chúng tôi vẫn lấy làm lạ là sao ngày đó không đổi để được thưởng thức hương vị bánh tôm trứ danh Hồ Tây. Có lẽ hình ảnh đứa em nhỏ ngồi chờ cơm ở nhà, mong người anh mang về chút gì rang với nắm muối to để có chút mặn mặn và cơm đã giúp chúng tôi chiến thắng cảm giác thèm thuồng bánh tôm.
Sau này lớn lên, khi có tiền rồi, thi thoảng chúng tôi vẫn hò nhau lên Phủ Tây Hồ thưởng thức bánh tôm cho vui. Tôm và bột thì 10 hàng na ná như nhau, hàng nào khéo hơn thì dùng dầu mới, bánh lâu dầu kỹ ăn ngon hơn, không ngấy. Bánh tôm ăn cùng nước chấm tỏi ớt với rau sống đủ loại, cũng bon mồm ra trò. Nhờ bữa cơm Tết nhà ông chú, tự nhiên những kỷ niệm ngày xưa trong tôi ùa về. Chiếc bánh tôm mà chúng tôi chưa từng được thưởng thức ở cái thời vác cần câu trộm sẽ luôn là chiếc bánh ngon nhất, ước mơ nhất.
Bài và ảnh: HÀ THÀNH