Vì sao lại là nhiếp ảnh và điện ảnh?

Nhiếp ảnh và điện ảnh có lẽ là ngành nghệ thuật duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập. Tại sao lại là nhiếp ảnh và điện ảnh mà không phải các ngành khác?

Năm 1953 là giai đoạn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dồn lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hoàn cảnh đặt ra yêu cầu: Phải tìm loại hình nào phù hợp trong công tác động viên, cổ vũ tinh thần nhân dân. Và nhiếp ảnh, điện ảnh có rất nhiều lợi thế.

Để sáng tác tác phẩm văn học có khi phải mất vài năm, thậm chí có tác phẩm phải hàng chục năm. Sau khi có tác phẩm thì lại gặp phải vấn đề in ấn ra sao, phổ biến thế nào, làm sao đến nhân dân nhanh chóng. Với tác phẩm âm nhạc cũng vậy. Sáng tác có thể nhanh nhưng phổ biến nó là vấn đề khó. Từ chọn người biểu diễn, hòa âm phối khí, tổ chức biểu diễn trong điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn. Cho nên, nhiếp ảnh và điện ảnh là loại hình có điều kiện thuận lợi hơn cả để phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân.

leftcenterrightdel

Sắc lệnh 147/SL. Ảnh: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. 

Hơn nữa, cũng bởi nhiếp ảnh và điện ảnh là hai ngành có cùng một mẹ, có quy trình sản xuất, kỹ thuật thực hiện nhiều nét tương đồng. Minh chứng là các nhà nhiếp ảnh, điện ảnh của chúng ta thời kỳ đầu đều đảm nhiệm cả hai việc này. Nhiều nhà nhiếp ảnh có tên tuổi xuất phát là những nhà điện ảnh và ngược lại. Bên cạnh đó, thời gian này, mối quan hệ của nước ta với bè bạn quốc tế cũng mở ra, các nước giúp ta rất nhiều về thiết bị ngành ảnh. Từ đó đòi hỏi phải có một đơn vị chính danh, là đơn vị văn hóa của Nhà nước, vừa sản xuất, sáng tạo từ việc chụp ảnh, quay phim, vừa phổ biến nó, vừa mua sắm, nhận viện trợ từ nước ngoài.

Sắc lệnh số 147/SL đã mở đầu cho giai đoạn phát triển quy mô, bài bản của điện ảnh và nhiếp ảnh. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội sau ngày tiếp quản, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào sản xuất, thi đua... được nhiếp ảnh ghi lại. Sau đó là những hình ảnh nông thôn khôi phục sản xuất, chi viện cho miền Nam. Các lứa trẻ của nhiếp ảnh giai đoạn đó, đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở thành các nhà nhiếp ảnh chủ chốt. Những nhà nhiếp ảnh thời kỳ này được ví như thế hệ vàng. Có thể kể tới những tên tuổi như: Nguyễn Hồng Nghi, Vũ Năng An, Đức Như, Đoàn Công Tính, Văn Bảo, Lê Minh Trường, Đinh Ngọc Thông, Vũ Ba, Bùi Duy Ly, Triệu Đại, Nguyễn Đình Ưu, Mai Nam... mà phần lớn trong đó đều là các nhà báo Quân đội. Họ là thế hệ tạo đà cho sự phát triển của nhiếp ảnh nước ta.

Kim chỉ nam cho hoạt động nhiếp ảnh

Sắc lệnh số 147/SL chỉ vỏn vẹn hơn 250 chữ, trong đó định hướng mục tiêu phát triển của nhiếp ảnh và điện ảnh chỉ khoảng 50 chữ nhưng có thể nói, văn bản này đã định hướng con đường hoạt động của nhiếp ảnh và điện ảnh cho đến nay, với 4 mục tiêu: Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; nêu cao những thành tích, những gương đấu tranh anh dũng của quân dân Việt Nam; giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh, kiến thiết của nhân dân các nước bạn; giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân.

Từ sau khi có Sắc lệnh số 147/SL, ngành nhiếp ảnh và điện ảnh có cẩm nang vạch hướng, định con đường để hoạt động. Rõ ràng, toàn bộ các hội nghị về sau của tất cả các ngành văn hóa, nghệ thuật, không chỉ riêng nhiếp ảnh, điện ảnh, cho đến bây giờ, tất cả cũng chỉ đều xoay quanh 4 nội dung này mà thôi. 70 năm qua, nhiếp ảnh đã có nhiều thành tựu nổi bật, đã có mặt vào những giây phút quan trọng nhất của lịch sử nước ta. Hàng vạn bức ảnh được chụp. Đội ngũ những nhà nhiếp ảnh ngày càng lớn mạnh.

leftcenterrightdel

Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH 

Năm 1965, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thành lập, gần như nhiếp ảnh đồng hành với cuộc chiến đấu của dân tộc, với 71 người chủ yếu là phóng viên các báo, các nhà văn hóa. Có hai lực lượng chính lúc bấy giờ, một là lực lượng các phóng viên Quân đội và lực lượng bên ngoài tăng cường cho Quân đội. Sang thời kỳ đổi mới, từ các khóa 3, 4, 5... của hội, mỗi khóa tăng cường được thêm hơn trăm hội viên. Hiện hội viên Trung ương của hội đã có hơn 1.000 người.

Ngày nay, đời sống kinh tế tốt lên, nhiếp ảnh Việt Nam vì thế cũng bắt đầu lan tỏa ảnh hưởng ra bên ngoài. Chúng ta tham gia các tổ chức nhiếp ảnh lớn trên thế giới, nhất là Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP). Việt Nam là thành viên trẻ nhưng được đánh giá là thành viên tích cực nhất của FIAP. Năm nào chúng ta cũng có thi quốc tế, đứng ra đăng cai tổ chức. Các công ty ảnh lớn, các tập đoàn sản xuất máy ảnh lớn đều có mặt ở Việt Nam. Một số hãng đặt nhà máy sản xuất ở nước ta.

Nhiếp ảnh cần đi sâu vào các vấn đề của cuộc sống

Có thể thấy rằng, điều kiện làm nhiếp ảnh ở Việt Nam rất tốt. Trên thế giới, nhiếp ảnh chỉ phát triển mạnh ở các nước có đời sống cao, ít nước có mức sống như Việt Nam lại chơi ảnh và sử dụng các thiết bị chụp ảnh hiện đại như nước ta. Điều kiện đã có, những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp cần đi sâu vào những vấn đề của cuộc sống hơn nữa, thay vì tập trung nhiều vào mảng ảnh nghệ thuật. Các triển lãm sáng tác nên đặt ra những đề tài cập nhật, tránh lặp lại. Thể loại chụp tự do, nhưng chủ đề phải rõ ràng và cần có những hướng dẫn chi tiết. Phần lớn ở triển lãm ảnh đến nay vẫn theo xu hướng nhìn đất nước đẹp, đời sống đẹp nhưng độ sâu thì chưa. Xu hướng nhiếp ảnh hiện đại nên phản ánh hiện thực của cuộc sống, khoảnh khắc mà chính tác giả đó cũng không chụp lại được nữa. Người chụp ảnh làm sao để từ bức ảnh, người xem nghiền ngẫm, phát hiện ra những vấn đề của cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần cho người xem cảm nhận cái đẹp từ mắt bởi bố cục, bởi cái lạ. Các hội liên hiệp văn học nghệ thuật trên cả nước năm nào cũng tổ chức các cuộc thi ảnh, nhưng chủ đề còn chung chung. Nhiếp ảnh cần đi vào những vấn đề cụ thể hơn, bởi nghệ thuật không cho phép sự lặp lại. Các cấp hội có thể mở rộng đối tượng phản ánh trong các cuộc thi, chụp nhiều thành phần trong xã hội như: Trí thức, nhà khoa học, doanh nhân...

Với đội ngũ hội viên, cũng phải sẵn sàng tiếp nhận những đề tài khó. Chỉ từ cái khó mới cho ra được những tác phẩm đặc sắc, những tác phẩm có giá trị cao. Đó cũng là lý do vì sao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước đến 90% tác phẩm về văn học, nghệ thuật đều thuộc đề tài chiến tranh và bảo vệ Tổ quốc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng cần điều chỉnh theo hướng tinh, gọn; người làm ít nhưng hiệu quả cao, tạo ra tác phẩm tốt và phổ biến nó đến quần chúng. Trước đây, chúng ta ít chú ý việc phổ biến đến công chúng, các tác phẩm được phổ biến chủ yếu ở các thành phố lớn. Ngày nay, các sản phẩm văn hóa, văn nghệ cần được phổ biến đến vùng sâu, vùng xa, từ đó giúp nâng cao đời sống văn hóa. Có như vậy, nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam mới có thêm nhiều thành tựu, có tác động tích cực đến việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh VŨ HUYẾN

Nghệ sĩ nhiếp ảnh TRẦN THỊ THU ĐÔNG, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam:

Nhiếp ảnh góp phần phát triển văn hóa, con người Việt Nam

70 năm qua, nhiếp ảnh Việt Nam cùng các loại hình văn học, nghệ thuật khác đã thiết thực tham gia cổ vũ, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiếp ảnh Việt Nam với sự đóng góp của nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia đã tạo ra một pho sử bằng ảnh vô giá về cách mạng Việt Nam, về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Ngày càng nhiều hơn những bức ảnh có giá trị được công bố trên các phương tiện truyền thông, những hiện vật đang lưu giữ trong các bảo tàng, triển lãm, sách ảnh ở trong và ngoài nước... Nhiếp ảnh Việt Nam đã có tên trên bản đồ nhiếp ảnh quốc tế và khu vực, với những tác giả, tác phẩm ghi dấu ấn trong các giải thưởng, cuộc thi.

Cho tới hôm nay, các thế hệ đã không ngừng bổ sung cho nhau nhiệt huyết, kiến thức và kỹ thuật nhiếp ảnh tiên tiến, cách nhìn cuộc sống và lựa chọn cái đẹp, cái cần cho nhiều người, cho dân tộc. Với ưu thế và nỗ lực của mình, nhiếp ảnh ngày càng đi sâu vào tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao và đa dạng của nhân dân, hướng con người tới những giá trị nhân văn. Các nhà nhiếp ảnh vẫn luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo cho mỗi bức ảnh phải là một thông điệp giàu tính chân-thiện-mỹ gửi đến người xem, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

THU HÒA (ghi)